Chuyện lạ có thật về người nhịn ăn 382 ngày vẫn sống

Google News

Nhịn ăn hơn một năm vẫn sống nghe như chuyện viễn tưởng, nhưng y học thế giới từng ghi nhận trường hợp một người đàn ông không ăn thứ gì suốt 382 ngày mà vẫn tồn tại khỏe mạnh sau đó.

Theo trang IFLScience, năm 1973, tạp chí y học uy tín Postgraduate Medical Journal từng cho đăng tải câu chuyện khó tin về một chàng trai người Scotland 27 tuổi, bị béo phì nghiêm trọng đã nhịn ăn tổng cộng 382 ngày để giảm cân.
Chuyen la co that ve nguoi nhin an 382 ngay van song
 Angus Barberi trước (trái) và sau quá trình nhịn ăn 382 ngày, giảm được 125kg (phải). Ảnh: AAP
Trong báo cáo nghiên cứu, các bác sĩ thuộc Trường Y, Đại học Dundee viết, sau quá trình nhịn ăn khắc nghiệt kéo dài hơn 1 năm, chàng trai có tên Angus Barberi nói trên đã giảm từ 207kg xuống còn 82kg và đáng ngạc nhiên là vẫn trong tình trạng sức khỏe tốt. 5 năm sau đó, anh vẫn duy trì được cân nặng ổn định là 88kg.
"Ban đầu, người đàn ông không có ý định nhịn ăn kéo dài. Tuy nhiên, do anh thích nghi rất tốt và mong muốn đạt được cân nặng 'lý tưởng' nên đã tiếp tục hoàn thành quá trình được coi là nhịn ăn dài nhất từ trước tới nay, theo Sách Kỷ lục Guinness thế giới năm 1971", các bác sĩ cho hay.
Theo bài báo, trong suốt quá trình giảm cân khác thường, Barberi không ăn bất kỳ thực phẩm rắn nào. Anh chỉ uống các loại thuốc bổ sung kali, natri, các vitamin và một lượng nhỏ men tiêu hóa có chứa protein. Người đàn ông này do đó cứ 37 - 48 ngày mới đi đại tiện một lần.
Barberi cũng thường xuyên đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra mức đường huyết cũng như nồng độ điện giải trong huyết tương. Mặc dù các chỉ số này có giảm theo thời gian, nhưng anh không có biểu hiện bệnh tật, vẫn đi lại bình thường và trong trạng thái tinh thần tốt.
Tại sao Barberi có thể tạo nên kỳ tích như vậy? Năm 2012, tiến sĩ Karl Kruszelnick, một nhà khoa học người Australia đã giải thích về trường hợp của Barberi trên chuyên trang khoa học của hãng thông tấn ABC. Về cơ bản, tiến sĩ Kruszelnick nói, anh Barberi có thể sống sót mà không cần nạp thêm thực phẩm nhờ mỡ dự trữ trong cơ thể.
"Sau 2 - 3 ngày nhịn ăn ... phần lớn năng lượng của bạn sẽ do quá trình đốt cháy mỡ tích tụ trong cơ thể cung cấp. Các phân tử chất béo phân hủy thành hai chất riêng biệt là glycerol (có thể chuyển đổi thành đường glucose) và các axit béo tự do (có thể chuyển đổi thành những chất khác gọi là ketone). Cơ thể của bạn, bao gồm cả bộ não, có thể vận hành nhờ lượng glucose và ketone này cho đến khi bạn cạn kiệt chất béo", ông Kruszelnick giải thích.
Tờ Chicago Tribune đưa tin thêm, vào thời điểm Barberi cuối cùng có thể dùng bữa như bình thường sau 382 ngày nhịn ăn, anh đã quên mất mùi vị của thực phẩm. Anh đã nhấm nháp một quả trứng luộc cùng với một lát bánh mỳ và bơ. Anh khoe với các phóng viên rằng mình cảm thấy thật tuyệt vời và rất no.
Theo tổ chức quản lý Sách Kỷ lục Guinness thế giới, tính đến năm 2016, Barbieri vẫn giữ kỷ lục về thời gian nhịn ăn lâu nhất trên thế giới. Song, tổ chức này hiện không còn chính thức công nhận các kỷ lục liên quan đến việc nhịn ăn, vì lo ngại điều đó sẽ khuyến khích các hành vi không an toàn, thậm chí gây hại cho sức khỏe con người.
Barberi qua đời vào năm 1990, thọ 51 tuổi. Dù câu chuyên về người đàn ông này rất đáng kinh ngạc nhưng các chuyên gia khuyến nghị mọi người không nên nhịn ăn hà khắc và lâu đến như vậy. Theo họ, việc nhịn ăn dài ngày từng rất phổ biến hồi những năm 60 - 70 của thế kỷ trước nhưng dần dần mọi người cũng từ bỏ phương pháp giảm cân đó sau hàng loạt báo cáo y tế về các biến chứng nguy hiểm như suy tạng, suy tim hoặc thậm chí cả những trường hợp tử vong vì áp dụng nó.
Hiện nay, việc nhịn ăn chỉ được khuyến khích như một phần của phác đồ điều trị dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ và chỉ được áp dụng cho những bệnh nhân mắc một vài chứng bệnh nhất định.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet.vn