Chuyên gia tâm lý giải thích hành vi cơ phó Airbus A320

Google News

(Kiến Thức) - Chuyên gia tâm lý Craig Jackson cho rằng, việc cơ phó Andreas Lubitz cố tình để máy bay Airbus A320 rơi là hành động của một “spree-killer”.

Theo đó, một loạt các thông tin xoay quanh về người cơ phó Lubitz đã được các báo đăng tải. Trong quá khứ, do phải đi chữa trị căn bệnh trầm cảm nên anh ta đã bỏ dở khóa đào tạo phi công của mình. Trong chuyến bay 4U9525 ngày 24/3, người phi công phụ này đã khóa trái cửa buồng lái, không cho cơ trưởng vào trong thời điểm máy bay Airbus A320 lao xuống dãy núi Alps.
Tuy nhiên, chi tiết kinh hãi nhất đó là thông qua đoạn hội thoại lấy được từ hộp đen ghi âm buồng lái thì người cơ phó này vẫn thở đều đều khi anh ta cố tình để máy bay rơi, cướp đi sinh mạng của 149 người trên khoang.
Chuyen gia tam ly giai thich hanh vi co pho Airbus A320
 Cơ phó Andreas Lubitz.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên MailOnline, chuyên gia tâm lý học, Giáo sư Craig Jackson từ Đại học Thành phố Birmingham cho biết, những sự cố đó đều hướng tới một điều rằng, đây là suy nghĩ của một người đang lên kế hoạch giết người có tính toán.
Ông Jackson nói rằng, các phi công phải là những người hội tụ đủ điều kiện sức khỏe và vượt qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt thì mới có thể hành nghề. Chưa kể, cứ cách 6 tháng, Hãng hàng không Lufthansa (công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Đức Germanwings) còn tiến hành kiểm tra các nhân viên.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 26/3, ông chủ của Lufthansa tiết lộ, người cơ phó Lubitz (28 tuổi) đã phải bỏ dở khóa đào tạo phi công vào năm 2008 do mắc chứng suy sụp tinh thần.
Vị lãnh đạo Lufthansa xác nhận, nhân viên của mình đã nghỉ làm một vài tháng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Lubitz “hoàn toàn đủ điều kiện để bay” sau khi vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra y tế.
Phân tích về điều này, nhà chuyên gia tâm lý học Jackson giải thích rằng, có thể người phi công này đang có một “điểm yếu tâm lý” nào đó. “Cơ phó Lubitz đã có những hành vi giống với những kẻ xả súng hàng loạt vào trường học hay trại quân đội. Bởi vì, những người này không thể chịu đựng được tổn thương tâm lý nữa”, ông Jackson chia sẻ quan điểm. Theo lời vị chuyên gia này, hành động cố ý đó của cơ phó chuyến bay 4U9525 giống với một spree-killer, một thuật ngữ nói về các vụ giết nhiều người trong khoảng thời gian tương đối ngắn ở những địa điểm khác nhau.
“Hiện tượng tự tử ở nơi làm việc là một nguyên nhân cũng được. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra khi ai đó trải qua một ngày làm việc thực sự tồi tệ. Con người thường có ý định tự sát khi nhiều điều quan trọng đối với họ diễn biến có chiều hướng xấu”, ông Jackson nói
Ở một diễn biến khác, các công tố viên đề nghị phía cơ quan điều tra cung cấp những thông tin cá nhân và cả quá trình làm việc của cơ phó Andreas Lubitz mặc dù anh này không có dính líu tới khủng bố.
Chuyen gia tam ly giai thich hanh vi co pho Airbus A320-Hinh-2
 Các nhân viên cứu hộ ở khu vực hiện trường máy bay Airbus a320 rơi.
Trong đoạn băng ghi lại cuộc hội thoại trong buồng lái, Lubitz “vẫn thở bình thường” trong những phút cuối cùng khi mà cơ trưởng đang cố gắng phá cánh cửa buồng lái.
Công tố viên Brice Rubin cho biết: “Lúc đó, cơ phó Lubitz không nói bất cứ tiếng nào. Buồng lái hoàn toàn im lặng trong 10 phút cuối cùng trước khi rơi xuống núi”.
Tình tiết này chỉ ra rằng, viên cơ phó đó đã lên một kế hoạch hành động chu toàn và sau đó thực hiện nó.
“Nếu thở bình thường trong lúc gây án, điều đó cho thấy hắn đã thực hành từ trước. Vì thế, những kẻ giết người rải rác không hề điên như nhiều người thường nghĩ. Họ không hề ra tay một cách ngẫu nhiên mà họ biết chính xác mình đang làm gì. Hãy lấy cơ phó chuyến bay 4U9525 làm ví dụ. Anh ta đã ra tay hành động khi cơ trưởng rời đi”, chuyên gia tâm lý cho hay.
Thanh Nga (theo DL)