Phát biểu tại Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13, Tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher, tử Trung tâm nghiên cứu châu Á, Viện Quan hệ quốc tế Pháp, nhận định, với những bối cảnh cạnh tranh trong khu vực Biển Đông, các bên chưa thực sự có được hoạt động hợp tác khoa học hiệu quả.
"Chúng ta vẫn nói liệu nghiên cứu khoa học liệu có trở thành một chìa khóa để giúp giải quyết các tranh chấp hay không", bà Sophie nói, thông qua phiên dịch.
|
Tiến sĩ Sophie Boisseau du Rocher. |
Theo chuyên gia Pháp, cả Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đều muốn hiểu biển hơn, nhưng Trung Quốc thường xuyên có động thái gây căng thẳng trong khu vực và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đơn phương.
Bà Sophie lấy ví dụ đầu những năm 1990, 2000, Trung Quốc bắt đầu triển khai các đội tàu nghiên cứu. Đến 1995 có hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nhưng sau đó không có nhiều.
Từ 2010 đến 2014, hoạt động nghiên cứu đơn phương của Trung Quốc ngày càng nhiều hơn, được triển khai ở tất cả các lĩnh vực, và "rất khó để có được thông tin kết quả nghiên cứu từ các hoạt động này".
Trung Quốc gần như "lấn át" các nước khác trong hoạt động nghiên cứu. Theo bà Sophie, hiện nay hơn 200 cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc đang có hoạt động nghiên cứu ở khu vực Biển Đông, và nước này trong năm 2014 công bố dự án trị giá 200 triệu USD với hơn 1000 nhà khoa học tham gia, là sự chênh lệch lớn với các quốc gia khác.
Để đưa ra các cơ chế giải quyết vấn đề hòa bình ở khu vực thì Trung Quốc cần giảm các hoạt động nghiên cứu đơn phương của mình, bà nhận định.
Hiện nay các nước trong khu vực đã nhận thức được nhu cầu của hợp tác khoa học. Nhưng để vượt qua các rào cản, theo các diễn giả, cần có sự đồng thuận rộng rãi với tất cả các quốc gia, sử dụng các công cụ như UNCLOS kết hợp với các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận giữa các nước.
Dự đoán trong tương lai, theo Tiến sĩ Anastasia Telesetsky, chuyên gia khoa học môi trường từ Đại học Bách khoa California (Cal Poly), nhiều quốc gia có thể thăm dò khai thác tại khu vực, và giống như mô hình của trạm không gian quốc tế, và các trạm khai thác vì mục đích hòa bình có thể được lập ra, với sự tham gia của các nước ở Biển Đông. "Hòa bình không thể duy trì bằng vũ lực mà chỉ có thể đạt được bằng sự hiểu biết. Tôi hy vọng các quốc gia thay vì cách xa nhau có thể tiến về phía nhau vì mục đích tập thể", bà nói.
Theo Phương Anh/VTCNews