Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có Bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc, không có tranh chấp với nước nào, nhất là Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.
Hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông.
|
Tàu Haijing 3901 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP. |
Việc Trung Quốc đe dọa, ngăn cản Việt Nam và các đối tác nước ngoài thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này là hành động vô lý và ngang ngược.
Theo dõi những diễn biến căng thẳng gần đây trên Biển Đông, giới chuyên gia khẳng định hành động của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm, xâm phạm quyền lợi biển của Việt Nam, cũng như đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Trên trang Maritimeissues, chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng (Singapore) nhận định, các động thái gần đây của Trung Quốc cho thấy phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016, vốn bác bỏ "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông, đã không tạo đủ sức ép để buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các toan tính ở Biển Đông.
Cụ thể, Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong "đường chín đoạn". Tuy nhiên, rõ ràng Trung Quốc hoàn toàn không tuân thủ phán quyết của PCA.
"Các tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp Trung Quốc thực hiện các hành vi gây hấn ở Biển Đông. Và cuối cùng, Trung Quốc có thể bao biện rằng họ chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác, thậm chí còn tố ngược lại chính các nước lên án hành vi của Trung Quốc là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở biển Đông", ông Collin nói thêm.
Chuyên gia Collin cho rằng bằng việc gửi tàu đến khu vực gần bãi Tư Chính, Trung Quốc muốn phát đi thông điệp rằng nếu Trung Quốc không được phép khai thác tài nguyên ở đây thì các nước khác cũng phải chịu như vậy.
Có thể thấy, các bước đi này nằm trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông cũng như kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong "đường lưỡi bò", chiếm 80% diện tích biển Đông, mà Bắc Kinh tự vẽ ra.
Mời độc giả xem thêm video: Tàu Trung Quốc Hải Dương 8 xâm phạm thềm lục địa Việt Nam (Nguồn: VTC1)
Còn chuyên gia Hu Bo, Giám đốc Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông nhận định, việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống đến Bãi Tư Chính nhằm ngăn cản Việt Nam thúc đẩy lợi ích trên biển của nước này trong khu vực, trước khi các nước đạt được Bộ Quy tắc về ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
"Mục đích Trung Quốc điều tàu khảo sát là nhằm ngăn cản Việt Nam phát triển nguồn hydrocarbon", tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn lời chuyên gia Hu Bo.
Phó giáo sư Ryan Martinson tại Đại học Mỹ ở Newport cho biết, tàu khảo sát của Trung Quốc vẫn đang hoạt động gần rạn san hô Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Bắc Kinh đã sử dụng các tàu của họ tại khu vực này như một cách để tăng cường yêu sách chủ quyền phi lý", chuyên gia Ryan nói.
Có thể nói, hành động của Trung Quốc là đặc biệt nguy hiểm và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trong quá trình các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để đi đến ký kết văn bản COC, các bên cần kiềm chế mọi hoạt động để đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định và không làm gia tăng xung đột.
Thiên An