Chưa rõ tung tích của thủ lĩnh Wagner

Google News

Cho đến sáng 25-6 (giờ địa phương), chưa rõ trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã đến Belarus hay chưa.

Hủy bỏ cáo buộc hình sự đối với Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu công ty quân sự tư nhân Wagner, và cho phép ông này rời Nga tới Belarus là nội dung chủ yếu trong thỏa thuận được Điện Kremlin công bố đêm 24-6 (giờ Nga).

Theo thỏa thuận, các tay súng Wagner tham gia nổi dậy không bị truy tố, những ai không tham gia sẽ được ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Ông Prigozhin đã ra lệnh cho lính mình quay về trại dã chiến ở Ukraine.

Trong vòng 24 giờ trước đó, Wagner đã gây ra cuộc nổi dậy - ban đầu là kiểm soát TP Rostov-on-Don ở miền Nam nước Nga (gần biên giới Ukraine) và sau đó tiến đến thủ đô Moscow cách đó hơn 1.000 km.

Chua ro tung tich cua thu linh Wagner

Đường cao tốc dẫn vào thủ đô Moscow được kiểm soát hôm 24-6. Ảnh: AP

Việc để ông Prigozhin và lực lượng của mình rời đi, theo lý giải của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, là do "mục tiêu cao nhất" của Tổng thống Vladimir Putin là "muốn tránh đổ máu và xung đột trong nước".

  • Diễn biến bất ngờ của Wagner: Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo phương Tây
  • Wagner bất ngờ lui quân, Điện Kremlin tiết lộ thỏa thuận
  • Thủ lĩnh Wagner cũng nói đây là lý do khiến ông ta ra lệnh cho các tay súng dưới quyền rút lui khi chỉ còn cách Moscow khoảng 200 km vào tối 24-6 (giờ địa phương). Trước đó, quân đội Nga đã lập các chốt kiểm soát ở rìa Nam thủ đô. Khoảng 3.000 binh lính Chechnya đang ở Ukraine được rút gấp về Moscow rạng sáng 24-6, theo đài truyền hình Chechnya.

    Kể từ khi Điện Kremlin thông báo thỏa thuận đến nay, ông Prigozhin chưa lên tiếng trở lại. AP cho biết chưa có thông tin trùm Wagner đã đến Belarus, cũng như không rõ lính Wagner có theo ông ta tới đó hay không.

    Đến sáng 25-6, theo truyền thông Nga, giao thông đã trở lại bình thường ở Rostov-on-Don. Tuy nhiên, một số hạn chế đi lại vẫn được áp dụng trên tuyến cao tốc chính nối Moscow và Rostov-on-Don.

    Tại Moscow, Thị trưởng Sergei Sobyanin thông báo thứ hai (26-6) là ngày không đi làm với hầu hết cư dân để đảm bảo an ninh. "Chế độ chống khủng bố" tiếp tục được duy trì ở thủ đô của Nga trong ngày 25-6.

    Một động cơ khả dĩ khiến Prigozhin nổi dậy, theo nhận định của AP, là do Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu các công ty tư nhân ký hợp đồng với bộ này, với hạn chót là ngày 1-7. Ông Prigozhin phản đối việc này. "Có thể ông ta xem đó là mối nguy đối với việc kiểm soát chính lực lượng của mình" - một bài viết của Hội đồng Đại Tây Dương suy đoán.

    Theo Hải Ngọc/Người lao động