Là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đặt chân tới Hàn Quốc, mỗi cử chỉ và từ ngữ của ông Kim Jong-un đều thu hút sự quan tâm của giới truyền thông. Bên cạnh những tín hiệu tốt đẹp tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều thì nét chữ viết tay của ông Kim Jong-un cũng được giới quan sát nghiên cứu kỹ lưỡng.
|
Nội dung lưu bút do ông Kim Jong-un ghi lại tại Nhà Hòa Bình. Ảnh: Twitter. |
Nét chữ của “bậc lãnh đạo tài trí hơn người”
Sau nụ cười thân thiện và cái bắt tay cởi mở với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại mốc phân giới liên Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã để lại bút tích trong sổ lưu niệm ở tòa nhà Hòa Bình – nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã viết trong sổ lưu niệm rằng: “Lịch sử mới bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, từ điểm khởi đầu của lịch sử”.
Tờ Invester dẫn lời ông Koo Bon-jin, chuyên gia nghiên cứu chữ viết đồng thời là luật sư người Hàn Quốc cho rằng, kiểu viết nhanh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy ông là một người rất thông minh nhưng đồng thời cũng có chút thiếu kiên nhẫn.
“Dựa trên cách viết hơi cứng nhắc, chúng ta có thể thấy ông là người sẵn sàng chấp nhận mọi thách thức và luôn muốn làm trung tâm của sự chú ý. Điều này cũng có phần giống với tính cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump”, ông Koo Bon-jin nói.
“Có nhiều nét không tương đồng trong bản viết tay của ông Kim Jong-un. Chẳng hạn như hình dạng chữ O xuất hiện trong mỗi từ đều khác nhau, mặc dù sự khác biệt này không rõ nét. Điều đó chứng tỏ nét tính cách đôi khi có phần bốc đồng và nóng nảy, nhưng nhìn chung đều dễ đoán định.”
Ông Lee Hee-il, Trưởng Phòng Thực nghiệm khoa học pháp y quốc tế nhận định, chữ viết tay của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hơi nghiêng và hướng lên trên cho thấy tính cách vừa hăng hái, tràn đầy nhiệt huyết song cũng hơi nóng nảy.
“Toàn bộ chữ viết tay này, theo quan sát thì hơi nghiêng và hướng về phía bên phải. Loại chữ này thường được thấy ở những người thành công hoặc làm lãnh đạo. Người sở hữu dạng chữ như vậy rất tự tin. Quan sát độ nghiêng của cả 3 dòng chữ trên cùng sẽ cho chúng ta biết được ông là người luôn hành động có mục đích và không do dự đưa ra các quyết định cũng như chọn lựa”.
Ông Lee giải thích rằng, vị trí không đồng đều của các từ ở dòng thứ 2 cho thấy tâm trạng ông Kim Jong-un lúc đó thực sự rất vui mừng và phấn khởi khi viết ra những thông điệp này. Dẫu vậy, chữ ký tên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần này vẫn được viết theo cách nhất quán với những chữ ký trước xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông.
Luật sư Ku Bon-jin, người từng xuất bản một cuốn sách về phân tích chữ viết tay nhấn mạnh: “Cách ông Kim Jong-un viết thông điệp nhanh gọn cho thấy ông là người nhanh nhạy và thích giúp đỡ người khác. Ngoài ra, các chữ cái không quá khác biệt chứng tỏ ông không phải là người bốc đồng và có thể đoán biết tâm trạng bằng trực giác”.
Thể hiện nét đặc trưng của gia tộc họ Kim
Cả 3 chuyên gia trên đều nhận định, chữ viết của ông Kim rất giống với ông nội ông là cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và cha ông Kim Jong-il. “Tôi cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phải thực hành trong thời gian dài để có cách viết giống với cha và ông nội mình”, luật sư Ku Bon-jin nói.
Theo tờ DongA, nét chữ nghiêng là “đặc điểm chung trong chữ viết của gia tộc họ Kim", không chỉ xuất hiện trong các bản viết tay của ông Kim Nhật Thành mà còn được thể hiện trong các văn bản của các thế hệ lãnh đạo sau như Kim Jong-il, Kim Jong-un.
Thậm chí em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cô Kim Yo-jong cũng có nét chữ như vậy. Điều này được thể hiện qua dòng lưu bút của cô Kim Yo-jong với nội dung kỳ vọng về tương lai tươi sáng cho mối quan hệ liên Triều, trong chuyến thăm Phủ Tổng thống Hàn Quốc, hồi tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, trái ngược với nét chữ ngay ngắn của em gái, nét chữ của ông Kim Jong-un lại thường phá vỡ quy tắc khi nhà lãnh đạo này có thói quen viết nghiêng, lệch hẳn trên trang giấy.
Những bản viết tay của các nhà lãnh đạo Triều Tiên thường được giới chuyên gia và người dân Triều Tiên ca ngợi là “thư pháp tổng thể” và đều được biết đến với tên gọi riêng. Trong khi nét chữ của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành được gọi là "thể chữ Thái Dương" thì nét chữ của Kim Jong-il được gọi là "phong cách Baekdusan”. Hai thể chữ này cùng với thể chữ của cố phu nhân Kim Jong-suk - mẹ ruột của ông Kim Jong-il - được Bình Nhưỡng gọi chung là "thể chữ tam đại tướng quân núi Trường Bạch".
Baekdusan hay còn gọi là núi Trường Bạch (theo tiếng Trung Quốc) là một ngọn núi lửa linh thiêng nằm trên biên giới giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Người Triều Tiên coi ngọn núi này là quê hương nguyên thủy của dân tộc Triều Tiên.
Theo Hồng Anh/VOV.VN