Một cậu bé người Việt Nam bị những kẻ buôn người bán sang Anh có thể sẽ bị trục xuất về Việt Nam, nơi cậu không còn gia đình, theo lệnh của Bộ Nội vụ Anh.
Quyết định này đang chịu sự phản đối bởi những ý kiến cho rằng chính phủ Anh đang tàn nhẫn với nạn nhân của buôn người như cậu bé này, người mà báo Guardian gọi với tên S.
S là một trong nhiều thiếu niên Việt Nam bị bán sang Anh để làm nô lệ cho các xưởng trồng cần sa. Tuy không có số liệu chính xác, nhưng các tổ chức chống buôn người tin rằng có hàng nghìn trẻ em Việt Nam bị bán sang đây trong thập kỉ vừa qua.
|
S bị bán sang Anh từ nhỏ, hiện đứng trước nguy cơ bị trục xuất. Người Việt Nam chiếm 96% số nạn nhân bị bán sang Anh, 81% trong số này là trẻ em, theo số liệu năm 2012. Ảnh: Guardian. |
“Họ sẽ giết tôi nếu chạy trốn”
Năm 10 tuổi, cậu bé mồ côi S phải mưu sinh ngoài đường phố ở Hà Nội. Cậu đã rơi vào tay những kẻ buôn người và bị bán sang Anh. Trong 5 năm tiếp theo, cậu bị nhốt trong một loạt các xưởng trồng cần sa và bị ép làm việc như một nô lệ, theo Guardian.
Cậu phải làm việc không lương trong một môi trường đầy nguy hiểm. Cậu tưới nước, bón các chất hóa học độc hại để cây lớn nhanh, bật - tắt đèn để giúp cây lớn nhanh, cắt lá và sấy.
Những chất hóa học khiến cậu bị ốm. Cậu bị cháy tóc và bỏng da vì đèn quá nóng, và thỉnh thoảng bị giật bởi đống dây điện của đèn.
Cậu bị tách biệt với thế giới bên ngoài, bị ép phải tránh xa cửa sổ, để người qua đường không biết cậu ở bên trong. Cứ đều đặn những kẻ buôn người mang đồ ăn tới và kiểm tra vườn cần sa. Nếu cây không phát triển, cậu sẽ bị đánh đập.
“Tôi giống như con thú bị nhốt trong chuồng”, cậu nói với Guardian ở nhà của một gia đình giờ đã nhận nuôi. Cậu xin được giấu kín danh tính vi sợ các băng nhóm tìm thấy mình.
“Tôi không làm gì khác ngoài ngủ và trồng cần sa. Tôi không biết gì về nước Anh. Họ nói những người hàng xóm là kẻ xấu và sẽ giết tôi nếu họ thấy tôi. Họ nói cảnh sát sẽ giết tôi nếu họ tìm được tôi. Họ cầm dao dọa tôi, và cắt vào tay và chân khi tôi làm sai. Họ nói sẽ giết tôi nếu thử chạy trốn”.
|
Trẻ bụi đời là mục tiêu của những kẻ buôn người (ảnh minh họa). Với lợi nhuận khổng lồ của cần sa, các băng nhóm sẽ tiếp tục bán trẻ em Việt sang Anh để làm nô lệ. Ảnh: Reuters. |
Giam giữ thay vì hỗ trợ
Năm 16 tuổi, S bị bắt giữ trong một cuộc đột kích của cảnh sát, nhưng họ xác định cậu là nạn nhân của những kẻ buôn người. Cậu được nhận nuôi, và khi đó cậu chỉ biết một vài từ tiếng Anh. Giờ cậu đã học đại học, và nói thành thạo tiếng Anh.
Nhưng khi cậu 17 tuổi rưỡi, quyền được ở lại Anh theo dạng trẻ em tị nạn của S hết hạn. Cậu lại nộp đơn xin tị nạn và bị từ chối.
Trong phản hồi 20 trang giải thích cho quyết định này, một quan chức Bộ Nội vụ Anh nói S đã “chứng tỏ nhiều quyết tâm chuyển tới Anh và tạo lập cuộc sống ở đây”, và nói không có lí do gì mà cậu “không thể dùng quyết tâm đó để xây dựng lại cuộc sống của mình ở Việt Nam”.
Những lời này đã khiến những người ủng hộ S tức giận. Họ chỉ ra rằng S không có “quyết tâm chuyển tới Anh” mà bị ép làm nô lệ bằng một khoản nợ mà cậu sẽ không bao giờ thoát ra được.
Tờ quyết định cũng nói S sẽ “hòa nhập vào xã hội Việt Nam mà không gặp vấn đề gì”. Tuy nhiên, S, năm nay 19 tuổi, nói cậu đã không sống ở Việt Nam từ năm 10 tuổi, và sẽ rất khó để cậu hòa nhập.
Cậu đã gửi đơn kháng cáo và sẽ được xem xét vào tháng 2, nhưng nếu vẫn bị từ chối, cậu được bảo rằng mình sẽ phải rời khỏi Anh.
Helen Goodman, một nghị sĩ nơi S đang sống, nói quyết định này là “đáng kinh hãi”.
“Thật không thể tin nổi Bộ Nội vụ lại đề nghị trục xuất S về Việt Nam. Thủ tướng Anh đã nói nhiều là phải chống nạn nô lệ thời hiện đại nhưng trên thực tế, cách chúng ta đối xử với nạn nhân buôn người khác hẳn so với các tuyên bố”, bà Goodman nói.
Bà đã gửi thư đề nghị Amber Rudd, Bộ trưởng Nội vụ, can thiệp, và nói “Bộ Nội vụ đã không hoàn thành trách nhiệm nhân đạo đối với S. Đây không phải vấn về nhập cư, mà là vấn đề buôn bán trẻ em”. Bà vẫn chưa nhận được hồi âm.
Theo Reuters, các nạn nhân buôn người ở Anh sau khi được cảnh sát giải cứu thường bị giam trong các trung tâm tạm giữ người nhập cư, thay vì được hỗ trợ. “Chúng tôi thấy những nạn nhân lại bị đối xử như những kẻ phạm tội nhập cư, chứ không phải nạn nhân của một tội ác”, Kate Roberts của Tổ chức chống Buôn người (Human Trafficking Foundation) nói với Reuters.
Trong một số trường hợp, các nạn nhân còn bị truy tố hình sự và kết án vì những việc họ bị những kẻ buôn người cưỡng ép phải làm.
“Không những điều này không công bằng cho họ, mà còn khiến những kẻ phạm tội được tự do để lạm dụng những nạn nhân khác”, Roberts nói với Reuters.
|
Bên trong một căn hầm trồng cần sa ở Wiltshire, Anh. Ảnh: Guardian. |
Trẻ em Việt được giải cứu lại bỏ trốn
Nhiều em được cảnh sát giải cứu và được đưa vào các trung tâm bảo trợ, nhưng lo sợ cho an toàn của gia đình ở Việt Nam đến nỗi các em lại trở về với những kẻ đã bóc lột các em.
Chloe Setter, phụ trách chính sách ở ECPAT UK (nhóm “Bảo vệ mọi trẻ em khỏi nạn buôn người”) nói “Trẻ em là nạn nhân của nạn nô lệ thời hiện đại cần được hỗ trợ lâu dài và bảo vệ để trở lại bình thường sau khi bị lạm dụng – và không thể để những thủ tục nhập cư định đoạt tương lai của các em. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ các em lại rơi vào tay bọn buôn người, một điều đáng tiếc lại đang xảy ra thường xuyên”.
Từ năm 2015, có ít nhất 152 trẻ em Việt Nam sau khi được giải cứu đã trốn khỏi các trung tâm nuôi dưỡng trên khắp nước Anh. Hầu hết bỏ trốn chỉ trong vòng 2 ngày từ khi vào các trung tâm. Có ít nhất 88 em khác bị mất tích nhưng sau đó cảnh sát đã tìm được, theo một điều tra của báo The Times (Anh).
James Simmonds-Read, của nhóm Children’s Society, nói các nạn nhân không cảm thấy an toàn sau khi được giải cứu. “Vì vậy, các em sợ hãi và bỏ trốn để quay lại với những kẻ đã buôn bán các em.
Bộ Nội vụ Anh nói chính phủ năm ngoái đã tuyên bố sẽ chi 3 triệu bảng (93 tỉ đồng) ở Việt Nam để “bắt những kẻ buôn người, hỗ trợ nạn nhân và ngăn không cho họ rơi vào vòng nô lệ ngay từ đầu”.
Trong khi đó, S đang khổ sở vì quyết định trục xuất mình. “Tôi có một cuộc sống tốt đẹp ở đây, một gia đình. Làm sao tôi có thể sống được ở nơi không còn gia đình nữa? Tôi lo sợ bọn chúng sẽ lại tìm ra tôi”.
S nói cậu chưa bao giờ được sống như một đứa trẻ hay nhận một chút tử tế nào từ bọn buôn người. Cậu gặp những đứa trẻ Việt Nam khác còn nhỏ hơn mình cũng bị ép làm nô lệ, mỗi khi cậu bị chuyển từ xưởng này tới xưởng khác, do cảnh sát đột kích hoặc do bị cướp bóc.
“Trẻ em từ Việt Nam không biết gì về nước Anh, nên dễ bị lừa và bị ép làm việc không lương. Mọi người cần phải biết đây là thực tế của việc trồng cần sa. Cảnh sát phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn điều này”, cậu nói.
Theo Trọng Thuấn/Zing