Chiến tranh Lạnh giữa hai siêu cường Mỹ-Trung sẽ không xảy ra

Google News

Thay vì một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa 2 siêu cường, thế giới đang hướng đến một hệ thống đa cực do 4 quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức dẫn đầu, chuyên gia của tờ Project Syndicate nhận định.

Những tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington thời gian qua khiến nhiều người bắt đầu mường tượng tới viễn cảnh Mỹ-Trung Quốc sẽ bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Nhưng theo nhà bình luận chính trị Ngaire Woods của Project Syndicate, bất chấp những lời đồn thổi và các kịch bản mà truyền thông vẽ ra, chiến tranh lạnh giữa 2 siêu cường này khó có thể xảy ra.
Chien tranh Lanh giua hai sieu cuong My-Trung se khong xay ra
Kịch bản Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung sẽ khó xảy ra. (Ảnh: CNN) 
Với Trung Quốc, giới chức nước này sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách theo con đường của riêng mình. Với bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ưu tiên trước nhất của ông là giảm tham nhũng, ổn định chính sách đối nội và bất cứ nỗ lực nào ngăn cản mục tiêu này đều vượt qua lằn ranh đỏ.
Trong khi đó, Tổng thống Trump không bị ảnh hưởng bởi lời kêu gọi tiếp cận gần hơn với nền kinh tế Trung Quốc của các đầu tư, tài chính và công nghệ khổng lồ của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Mỹ có những ưu tiên cấp bách hơn. Ông muốn tăng cường sản xuất trong nước bằng cách hồi hương các chuỗi cung ứng toàn cầu và ngăn chặn hoặc hạn chế nhập khẩu.
Bà Woods - người sáng lập trường Blavatnik thuộc Đại học Oxford, tin rằng những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng nó sẽ làm cả 2 quốc gia này suy yếu và mở ra một thế giới đa cực hơn.
Với Trung Quốc, mặc cho chính quyền Trump liên tục tung ra các mức thuế quan mới, các biện pháp trừng phạt hay các tuyên bố chỉ trích nặng nề, Bắc Kinh cũng không có nhiều lựa chọn để đáp trả.
Trong khi đó, ở Mỹ, quyết định theo đuổi các mức thuế đánh lên trung Quốc của Tổng thống Trump được các chuyên gia kinh tế nhận định là hành động thương mại tự hủy hoại nhất từ trước tới nay. Và việc chính quyền tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bao gồm điều khoản nhằm ngăn chặn Canada hoặc Mexico đàm phán với Trung Quốc cũng vấp phải những chỉ trích tương tự.
Nhiều chuyên gia cho rằng những quyết định này của Tổng thống Trump sẽ khiến Mỹ bị đồng minh xa lánh và thực tế thì điều này đã và đang xảy ra.
Theo Project Syndicate, chính sách “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump giờ đang dịch chuyển thành “nước Mỹ một mình”. Tổng thống Trump đã liên tục rút Mỹ ra khỏi hàng loạt các hiệp định, hiệp ước quốc tế từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, UNESCO, thỏa thuận hạt nhân với Iran, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc hay Liên minh bưu chính thế giới. Mặc cho việc Mỹ rút khỏi, các nước vẫn tiếp tục duy trì các hiệp định, hiệp ước, tổ chức này.
Chien tranh Lanh giua hai sieu cuong My-Trung se khong xay ra-Hinh-2
Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump giờ chuyển thành "Nước Mỹ một mình". (Ảnh: AP/Ross Franklin) 
Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền Trump cũng yêu cầu các nước khác phải giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, gia tăng sức ép lên đồng minh buộc họ phải tăng chi tiêu quốc phòng để giảm gánh nặng tài chính cho Washington.
Chính các quyết định này của Mỹ đang góp phần hình thành nên một trật tự đa cực mới. Ví dụ như khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, Trump đã tạo điều kiện cho Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga, và Liên minh châu Âu thách thức các đặc quyền của Mỹ.
Hiện tại, các nước phụ thuộc vào nguồn cung dầu của Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc song hành cùng Mỹ. Giống như hầu hết các mặt hàng được giao dịch, xuất khẩu dầu được thanh toán bằng đồng USD và Mỹ có quyền ngưng các giao dịch này.
Nhưng trong tương lai, Mỹ có lẽ sẽ không còn có thể duy trì lợi thế này. Hôm 21/8, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã thúc giục châu Âu thiết lập các kênh thanh toán độc lập với Mỹ. Tháng 9, Giám đốc chính sách đối ngoại của EU công bố kế hoạch hỗ trợ và trấn an các nhà khai thác kinh tế theo đuổi kinh doanh hợp pháp với Iran.
Trong khi đó, Nga nói rằng họ đang phát triển hệ thống chuyển tiền của riêng Matxcơva để bảo vệ mình trong trường hợp bị Mỹ gây khó dễ.
Trung Quốc cũng theo đuổi một dự án tương tự từ năm 2015 khi Ngân hàng trung ương nước này phát triển hệ thống phục vụ cho các giao dịch xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.
Tất nhiên, không hệ thống nào trong các hệ thống này có thể thay thế sự tiện lợi của hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Nhưng chắn chắn nó sẽ khiến Mỹ không còn giữ được vị trí độc tôn trong nhiều năm qua.
Cuối cùng chuyên gia của Project Syndicate kết luận rằng, thay vì một cuộc chiến tranh Lạnh, thế giới có thể sẽ hướng tới một trật tự mới với 4 cường quốc lãnh đạo là Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức. 4 quốc gia này sẽ thống trị ở các khu vực của mình và tìm kiếm thế thượng phong trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Kịch bản này gợi nhớ tới tầm nhìn của Tổng thống thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, người đề xuất 3 đồng minh của Mỹ là Anh, Trung Quốc và Liên Xô cùng Washington đóng vai trò như “4 cảnh sát viên” tuần tra tại các khu vực của mình và đàm phán với những bên khác về hòa bình thế giới.
Theo Song Hy/VTC News