Tục lệ cưa gỗ - Đức
Đám cưới truyền thống ở Đức yêu cầu cô dâu chú rể phải cùng nhau cưa được một khúc gỗ lớn. Tục lệ này với mong muốn đôi lứa yêu nhau phải cùng nhau làm việc, cùng nhau vượt qua những khó khăn có thể ập đến bất kỳ lúc nào trong cuộc sống hôn nhân.
Có 2 con - Sudan
Tại bộ lạc Nuer ở Sudan, lễ cưới chỉ có thể được hoàn thành khi vợ sinh được 2 con. Nếu người phụ nữ chỉ có một con, người chồng có thể yêu cầu ly hôn. Ngoài ra, nếu người chồng bị mất, anh trai chồng sẽ thay thế, làm chồng của góa phụ.
Làm vỡ chuông - Guatemala
Tại Guatemala, đám cưới được tổ chức tại nhà chồng. Người mẹ chồng sẽ chào đón tân lang, tân nương bằng cách làm vỡ một chiếc chuông trắng chứa nhiều gạo, bột và ngũ cốc. Tục lệ này mong muốn mang lại sự thịnh vượng và giàu có.
Bắt cóc cô dâu - Romania
Tại Rumania và một số nước châu Âu khác, cô dâu sẽ bị bắt cóc bởi gia đình, bạn bè hoặc những tay “sát thủ” được thuê. Chú rể phải giải cứu cô dâu bằng cách trả tiền chuộc, đồ uống hoặc những cử chỉ lãng mạn. Trò chơi này nhằm tạo thêm kịch tích, sự vui vẻ cho hôn lễ.
Phá vỡ ly thủy tinh - truyền thống đám cưới của Do Thái
Trái ngược với quan điểm của người Việt Nam cho rằng đổ vỡ đồ thủy tinh trong ngày cưới là điểm gở. Sau khi kết thúc lễ cưới của người Do Thái, cô dâu - chú rể cùng giẫm lên một chiếc túi vải để làm vỡ chiếc ly thủy tinh bên trong. Tục lệ này có nhiều ý nghĩa, là hành động chứng minh hôn nhân có nhiều hạnh phúc và không ít khổ đau nhưng cả hai sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Khóc - Trung Quốc
Những cô dâu trong tộc thiểu số Tujia ở Trung Quốc phải khóc mỗi giờ/ngày trong vòng 1 tháng trước khi lên kiệu hoa. Sau khi cô dâu khóc được 10 ngày, mẹ cô dâu tham gia, 10 ngày sau đó các bà cô khóc cùng. Gần ngày lên kiệu hoa, mọi phụ nữ trong gia đình sẽ cùng khóc với cô dâu. Tục lệ này là biểu hiện của niềm vui và hạnh phúc. Những phụ nữ sẽ khóc theo nhiều kiểu khác nhau tạo thành giai điệu của bài hát.
Tục Henna, Ấn Độ
Tại Ấn Độ, vào đêm trước hôn lễ, gia đình cô dâu sẽ tổ chức sự kiện Mehendi đầy màu sắc. Một nghệ nhân chuyên nghiệp hoặc những người thân sẽ vẽ nhiều hình xăm henna vào tay và chân của cô dâu cũng như nhiều phụ nữ khác trong gia đình. Những mẫu thiết kế tạo nên một vẻ đẹp truyền thống để kêu gọi sự phù hộ từ thần linh. Nhiều nước châu Á khác cũng áp dụng tục lệ này.
Bánh mì và muối, Nga
Tại nhiều lễ cưới ở Nga, cha mẹ của cô dâu và chú rể sẽ chào đón cặp vợ chồng son bằng bánh mì và muối. Đây là một truyền thống hiếu khách. Cả hai sẽ cùng cắt đều bánh mì và ăn cùng với muối. Điều thú vị là, ai là người ăn nhiều hơn sẽ trở thành nhân vật đứng đầu trong nhà.
Cô dâu bị nhổ nước bọt - Kenya
Các cô gái ở Massai của Kenya sẽ bước vào thánh đường cùng với một người đàn ông lớn tuổi. Tại buổi lễ tổ chức, cha hoặc anh trai của cô dâu sẽ nhổ nước bọt lên đầu cô như một phước lành. Cô dâu sẽ cùng với người chồng mới đi bộ về nhà mới và sẽ bị bất cứ ai nhổ vào.
Bị cấm vào phòng tắm - Indonesia
Trên đảo Borneo nằm giữa Indonesia và Malaysia, bộ lạc Tidong cấm các cặp vợ chồng sử dụng phòng tắm trong vòng 3 ngày và 3 đêm sau đám cưới. Đó là lý do vì sao cặp đôi uyên ương này được cho ăn rất ít thức ăn và đồ uống trong lễ cưới. Họ tin rằng tục lệ này sẽ mang đến một cuộc hôn nhân lâu bền, hạnh phúc và nhiều màu sắc, mang đến nhiều may mắn.
Theo Hương Nguyên/Songmoi