Tính đến ngày 9/4, gần 1.200 trường hợp nhiễm virus Ebola đã được xác định tại các tỉnh bị ảnh hưởng là Bắc Kivu và Ituri, với 751 người tử vong. Điều này làm dấy lên lo ngại về một dịch Ebola bùng phát bởi tình hình an ninh bất ổn tại Cộng hòa dân chủ Congo.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, sự lây lan của dịch bệnh đang gia tăng, trong khi Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) cảnh báo rằng các phản ứng của quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh đã thất bại. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình an ninh bất ổn do sự hiện diện của các nhóm vũ trang, cùng với phản ứng tiêu cực của một số cộng đồng đã cản trở việc kiểm soát dịch bệnh lây lan.
|
Tính đến 12/4, số người tử vong vì dịch Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo đã vượt quá 750 người. Ảnh: Reuters |
Theo ông Tarik Jasarevic, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới, những lo ngại về tình hình an ninh, bao gồm cả một số vụ tấn công gần đây vào các cơ sở y tế, đã khiến các tổ chức quốc tế không thể duy trì được các biện pháp phòng dịch. Khi nhân viên y tế không thể đến các cộng đồng vì tình trạng bất ổn, người dân sẽ không được tiêm phòng, không có nhân viên để điều trị, từ đó dịch bệnh sẽ càng lây lan nhanh chóng.
Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố, dịch Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo chưa cấu thành vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Nếu tuyên bố đây là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu sẽ yêu cầu các nguồn lực lớn hơn và sự phối hợp quốc tế để đối phó với bệnh dịch.
Sau khi phân tích các số liệu mới nhất, Chủ tịch Ủy ban khẩn cấp độc lập của Tổ chức Y tế thế giới Robert Stefffen cho biết: “Ủy ban khẩn cấp đồng thuận trong quyết định không ủng hộ khuyến nghị của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố virus Ebola tại Cộng hòa dân chủ Congo là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Mặc dù có mối lo ngại lớn về số lượng các trường hợp nhiễm bệnh gia tăng trong khu vực, nhưng bệnh dịch không lan rộng qua biên giới và đã kéo dài nhiều tháng qua”.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn khuyến cáo giới chức y tế và các đối tác cần duy trì và tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng hiện nay tại các nước láng giềng của Cộng hòa dân chủ Congo. Trong khi đó, chính quyền Cộng hòa dân chủ Congo cũng cần phải đối thoại và nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh dịch, đặc biệt tại những khu vực hay xảy ra xung đột.
Đây là đợt bùng phát Ebola thứ 10 và có hậu quả tồi tệ thứ 2 tại Cộng hòa dân chủ Congo trong 40 năm qua. Hồi tháng 10/2018, Uỷ ban khẩn cấp Y tế quốc tế đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng được quốc tế quan tâm” do sự bùng phát và lây lan của Ebola. Sau đó, cơ quan này đã quyết định xem xét lại tình hình trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trước đó, năm 2014, dịch Ebola đã lây lan mạnh mẽ ở Tây Phi, khiến hơn 10 nghìn người tử vong tại Guinea, Liberiavà Sierra Lion.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1