Một đoạn video được ghi lại vào ngày 25/6 tại tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc cho thấy một cậu bé chừng 6 tuổi, mặc bộ quần áo màu xanh đang phải trốn trên cục nóng điều hòa ở tầng 5 của một khu chung cư. Bé trai sợ hãi gào khóc trong khi mẹ em vẫn cầm cây sào dài liên tục vung ra ngoài cửa sổ và vụt vào người em.
Vì né mãi không được nên cậu bé 6 tuổi nhảy từ tầng 5 của tòa nhà xuống đất trước sự thảng thốt của những người chứng kiến. Điều xót xa nhất là khi nhảy xuống, cậu bé hét lên: “Mẹ ơi đừng đánh con!”.
Ngay sau đó, hàng xóm đã gọi cấp cứu và đưa em bé đến bệnh viện cấp cứu.
|
Cậu bé trèo ra ngoài cửa sổ, đứng trên nóc cục nóng điều hòa để tránh trận đòn của mẹ. Ảnh: SCMP. |
Video đã thu hút hơn 10 triệu lượt xem và gây phẫn nộ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Sự việc dấy lên cuộc thảo luận suốt nhiều ngày về bạo lực gia đình và bạo hành con cái.
Theo cảnh sát địa phương, cậu bé họ Diên may mắn chỉ bị gãy xương chứ không nguy hiểm tính mạng. Theo China Newsweek, cha của Diên làm việc ở thành phố khác và cậu bé sống với mẹ.
Cảnh sát cho biết, mẹ của cậu bé dùng gậy đánh con chỉ vì muốn gọi con vào trong nhà, không được trèo ra ngoài kẻo ngã. Một số người cho rằng chính quyền địa phương đang che đậy sự thật. Những người khác nói rằng thái độ của chính quyền đối với vụ việc cho thấy những thiếu sót trong luật pháp của đất nước trong việc ngăn chặn lạm dụng trẻ em.
"Thằng bé sợ mẹ hơn là nhảy lầu", một người bình luận. "Mọi người ở tầng dưới đã la hét 'đừng đánh nó' mà người mẹ vẫn không dừng lại. Tôi không hiểu", một người khác nói.
Và đây là một trong số rất nhiều câu hỏi được đặt ra: "Đâu rồi luật bảo vệ trẻ em?"
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ luật thanh thiếu niên Bắc Kinh, nơi xem xét các báo cáo của truyền thông Trung Quốc về bạo lực đối với trẻ em, từ năm 2008 đến 2013, 75% các vụ tấn công là do cha mẹ đẻ, 10% trường hợp là cha mẹ kế hoặc cha mẹ nuôi chịu trách nhiệm.
Luật Bảo vệ trẻ em quy định rằng chính quyền hoặc cảnh sát địa phương phải cảnh cáo hoặc khiển trách người giám hộ của trẻ nếu họ vi phạm quyền của trẻ vị thành niên.
Theo các quy tắc an ninh công cộng hiện hành của Trung Quốc, hình phạt tiêu chuẩn đối với một người lạm dụng thành viên gia đình là giam giữ 5 ngày, nếu người bị lạm dụng yêu cầu.
Một điều khoản pháp lý được đưa ra vào năm 2014 cho phép các cơ quan chức năng giành quyền giám hộ trẻ em khỏi cha mẹ bạo hành. Tuy nhiên, các nhân viên chính quyền địa phương rất miễn cưỡng khi thực hiện do vẫn cảm thấy bị ràng buộc bởi các giá trị truyền thống như "yêu cho roi cho vọt", và rằng bạo lực gia đình là "vấn đề trong nhà".
Thảo Nguyên (Theo SCMP)