Theo AP, ngọn lửa bùng phát tại Nhà thờ Đức Bà Paris lúc gần 19h tối 15/4 (giờ địa phương), chỉ vài phút trước khi công trình nổi tiếng này đóng cửa đón khách.
Phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris Gabriel Plus cho hay, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn vào sáng sớm 16/4. Tính đến thời điểm hiện tại, không có người thiệt mạng nhưng một lính cứu hỏa bị thương trong vụ cháy. Ngoài ra, đám cháy đã làm hư hại 2/3 phần mái của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Cảnh sát Pháp cho biết nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa đã được di chuyển kịp thời ra bên ngoài nhà thờ trước và trong khi đám cháy xảy ra.
|
Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy hôm 15/4. Ảnh: Getty. |
Hiện tại, giới chức Pháp đang mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Theo kết quả điều tra sơ bộ, các công tố viên Pháp đã loại bỏ nguyên nhân vụ cháy là do phá hoại hoặc liên quan đến khủng bố. Họ tin rằng vụ cháy xảy ra có thể do sơ suất trong quá trình tu sửa bên trong nhà thờ này.
Lực lượng cứu hỏa Paris cũng nhận định đám cháy có thể liên quan đến công việc trùng tu đang diễn ra tại nhà thờ.
Mặc dù vậy, có lẽ điều khiến dư luận không khỏi thắc mắc là vì sao lực lượng cứu hỏa lại không thể nhanh chóng dập tắt đám cháy ngay sau khi ngọn lửa bùng phát?
Về vấn đề này, tờ báo Washington Post dẫn lời Keith Bryant, một lãnh đạo cơ quan phòng cháy chữa cháy Mỹ nhận định, có nhiều khó khăn và thách thức đối với việc kiểm soát ngọn lửa tại Nhà thờ Đức Bà Paris.
Do nhà thờ có quy mô lớn với nhiều không gian rộng mở, nên đám cháy có nguồn ôxy nuôi dưỡng dồi dào để duy trì sự cháy. Mặc khác, nhà thờ lại được xây dựng bằng nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, giấy và vải, đòi hỏi lực lượng cứu hỏa phải dùng lượng nước cực lớn để dập tắt đám cháy, trong khi các vòi rồng phun nước lại bị giới hạn về lượng nước có thể bơm.
Ngoài ra, chiều cao của nhà thờ là một lý do nữa khiến công tác cứu hoả gặp khó khăn.
Mời độc giả xem video về vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris (Nguồn: CNN)
Giới chức Pháp cũng đã giải thích lý do không thể dùng trực thăng trong quá trình dập lửa.
Sở cứu hỏa Paris cho hay, họ không dùng máy bay, trực thăng để dập lửa vì cho rằng khối nước khổng lồ ập xuống từ phía trên có thể khiến công trình này sụp đổ và có thể làm bị thương những người gần đó.
Phát biểu sau vụ cháy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay, "điều tồi tệ nhất đã tránh được" khi cấu trúc của nhà thờ được bảo vệ nguyên vẹn, đồng thời ca ngợi sự can đảm và chuyên nghiệp của lính cứu hỏa. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng đám cháy có thể kéo dài âm ỉ trong vài ngày.
Tổng thống Macron cũng cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris, đồng thời phát động chiến dịch gây quỹ quốc tế để quyên góp tiền cho việc tái thiết công trình này.
Nhiều lãnh đạo chính trị trên thế giới như Tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia, lãnh đạo UNESCO, tòa thánh Vatican và nhiều quốc gia khác ngay lập tức bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự cố này, đồng thời thể hiện sự đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ cần thiết cho nước Pháp.
|
Một phần mái của Nhà thờ Đức bà Paris bị hư hại nghiêm trọng sau vụ hảo hoạn hôm 15/4. Ảnh: Reuters. |
Ngay trong tối ngày 15/4, hàng loạt các Quỹ di sản và các tổ chức văn hoá tại Pháp đã phát đi các lời kêu gọi quyên góp để tái tạo nhà thờ Đức Bà. Hàng chục nghìn euro đã được quyên góp chỉ sau ít giờ phát động. Trong đêm 15/4, nhiều nhà thờ tại Paris và trên toàn nước Pháp cũng đã rung chuông trong vòng 2 phút để các tín đồ Thiên chúa giáo và người dân cầu nguyện cho nhà thờ Đức Bà Paris.
Được xây dựng vào năm 1160 và hoàn thành vào năm 1260, nhà thờ Đức Bà là một trong những công trình cố điển theo cố trúc Gothic lâu đời nhất ở Pháp và cũng là địa điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới vớ 12 triệu lượt khách viếng thăm mỗi năm.
Công trình 850 tuổi được xây dựng từ thế kỷ 12 này là nơi trưng bày hàng loạt các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, trong đó phải kể đến 3 cửa sổ hoa hồng kính màu được đặt ở phía trên cao các mặt phía tây, phía bắc và phía nam của nhà thờ nhưng đều đã bị phá hủy do sức nóng của ngọn lửa.
Thiên An (Tổng hợp)