Reuters cho biết quy mô cuộc biểu tình ở Bangkok vào ngày 16/10 lên đến "hàng nghìn người", bất chấp chính phủ đã ban hành lệnh cấm tụ tập. Một số người biểu tình giằng co, thậm chí ném chai nhựa về phía cảnh sát.
"Chúng tôi đã phát cảnh báo về những hành vi vi phạm luật pháp, và theo sau đó sẽ là những biện pháp cứng rắn để thực thi lệnh khẩn cấp", người phát ngôn lực lượng cảnh sát Yingyot Thepchamnong nói.
|
Cảnh sát Bangkok phun vòi rồng để giải tán người biểu tình, khi mà lệnh cấm tụ tập quá 5 người đã được ban bố. Ảnh: Reuters. |
Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Prayuth khẳng định ông "sẽ không từ chức".
Ông cũng hy vọng có thể sớm dỡ bỏ sắc lệnh khẩn cấp tại thủ đô nếu tình hình sớm cải thiện.
Tuy nhiên, ông Prayuth cũng không bác bỏ khả năng áp đặt lệnh giới nghiêm nếu diễn biến biểu tình vượt quá tầm kiểm soát.
|
Bất chấp trời mưa, nhiều người biểu tình đã tập trung gần trung tâm thương mại MBK ở thủ đô Bangkok chiều ngày 16/10. Ảnh: Reuters. |
Đơn vị vận hành tàu điện trên không BTS Skytrain cho biết họ sẽ không dừng ở hai ga Chit Lom và Ratchadamri gần giao lộ Ratchaprasong, nhằm tuân thủ quy định về hạn chế các phương tiện đến khu vực này.
Tuy nhiên, người biểu tình ngày 16/10 không tập trung ở Ratchaprasong mà ở một địa điểm cách đó 1,6 km. Cảnh sát chống bạo động, được trang bị dùi cui và khiên chắn, nhanh chóng tới hiện trường. Họ phong tỏa các tuyến đường và ga tàu điện gần đó.
Nội các Thái Lan tổ chức cuộc họp khẩn cấp sáng cùng ngày.
Đêm hôm trước, hàng nghìn người, chủ yếu là thanh niên, đã tập trung ở một giao lộ lớn tại trung tâm thủ đô Bangkok để phản đối hoàng gia và chính phủ.
Những người biểu tình kêu gọi ông Prayuth, người lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014, từ chức. Họ cũng yêu cầu hoàng gia thực hiện cải cách.
Sáu đảng đối lập, đứng đầu bởi đảng Pheu Thai, đã ra tuyên bố chung phản đối động thái của chính phủ với các cuộc biểu tình. Họ nói "không có lý do chính đáng" để ban hành sắc lệnh khẩn cấp và cấm tụ tập đông người.
Theo Sơn Trần/Zing