Ngày 31/8, người dân Nga một lần nữa xuống đường biểu tình đòi tự do bầu cử tại thủ đô Moscow. Tuy nhiên, cuộc biểu tình lần này có phần ôn hòa hơn, với số người tham gia tuần hành cũng thấp hơn nhiều.
Theo The Moscow Times, bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương, khoảng 2.000 người đã tập hợp và tổ chức biểu tình đòi bầu cử tự do ở Moskva cùng các khẩu hiệu "Nước Nga sẽ được tự do!" và "Đây là thành phố của chúng tôi".
Mặc dù cuộc tuần hành này cũng không được chính quyền cho phép, nhưng cảnh sát địa phương lại có phản ứng khác trước. Cảnh sát Moscow chỉ dùng loa kêu gọi đám đông giải tán, chứ không bắt giữ bất cứ người biểu tình nào - kể cả nhà hoạt động Lyubov Sobol - quyền lãnh đạo của phong trào biểu tình sau khi ông Navalny bị bắt giam.
|
Biểu tình ở Moscow hồi tháng 3. |
Sau khi cuộc biểu tình ôn hòa ngày 31/8, Sobol đã đăng tải lên mạng xã hội Twitter lời kêu gọi: "Hãy trở thành một quan sát viên trong các cuộc bầu cử, tham gia vào cuộc ''Bỏ phiếu Thông minh'' và đừng sợ hãi! Chúng ta sẽ chiến thắng!".
Cuộc "Bỏ phiếu Thông minh" được nhắc đến trong đoạn tweet nói trên là kế hoạch được thủ lĩnh đối lập Navalny nhắc tới trước đó. Ông này cho rằng phe đối lập không nên quá tập trung vào số lượng người biểu tình mà phải có kế hoạch chiến lược trong cuộc bầu cử cuối tuần tới:
"Chúng ta phải ngừng việc đếm đầu người lại, và hãy nhớ mục tiêu khiến chúng ta bắt đầu. Chúng ta không cần phải tổ chức cuộc biểu tình lớn chưa từng có - mặc dù sẽ rất tuyệt nếu điều đó xảy ra. Cái ta cần là đánh bại đảng cầm quyền trong các cuộc bầu cử này".
The Moscow Times cho rằng lời kêu gọi này chính là lí do khiến số lượng người tham gia cuộc biểu tình ngày thứ 7 vừa qua giảm đột ngột và đáng kể như vậy.
Giới quan sát cho rằng, việc lãnh đạo đoàn biểu tình thay đổi chiến lược chứng tỏ rằng, lực lượng biểu tình đã nhận ra được mấu chốt của sự việc. Biểu tình rầm rộ cũng không thể giải quyết được vấn đề.
Thực tế, những ứng cử viên bị loại (được người biểu tình ủng hộ) đã vi phạm quy định trong quá trình lấy phiếu ủng hộ. Đó là điều không thể phủ nhận. Biểu tình phản đối việc loại những ứng cử viên này là sai càng thêm sai.
Điều này được chứng minh khi mà Điện Kremlin không hề tỏ ra bối rối trước cuộc biểu tình, ngay cả khi nó thu hút hơn 50.000 người tham gia. Tổng thống Putin cũng không lên tiếng trước vụ việc, mặc cho truyền thông phương Tây đưa tin rầm rộ.
Đơn giản một điều, Điện Kremlin hiểu rằng, biểu tình là hoạt động bình thường trong đời sống chính trị nước Nga, khi đã được luật pháp quy định. Và khi cuộc biểu tình diễn ra trái phép thì cảnh sát sẽ có quyền xử lý.
Cho tới cuộc biểu tình ngày hôm qua (31/8), lực lượng cảnh sát không tiến hành bắt bớ hay đàn áp đoàn biểu tình, bởi lẽ tính chất cuộc biểu tình đã thay đổi. Người biểu tình quyết định dùng số phiếu của mình để đánh bại đảng cầm quyền, đó là điều hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.
Điều này cũng chứng minh rằng, chính quyền Moscow không hề độc đoán, người dân Nga có thể thoải mái thực hiện quyền công dân của mình miễn sao điều họ làm đúng với hiến pháp.
Theo Trung Kiên/Báo Đất Việt