|
Người dân sơ tán tránh xung đột tại Khartoum, Sudan, ngày 14/5/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo TASS, kênh tin tức Al Arabiya đưa tin các bên tham gia cuộc xung đột vũ trang ở Sudan - Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và nhóm bán quân sự Các lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), ngày 20/5 đã nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo có hiệu lực từ 21h45 ngày 22/5 (giờ địa phương) và kéo dài 7 ngày.
Theo Al Arabiya, SAF và RSF đã ký thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tại thành phố Jeddah của Saudi Arabia. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 48 giờ đồng hồ kể từ khi ký kết.
Thỏa thuận cũng quy định "thành lập một ủy ban đặc biệt để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn, ủy ban này sẽ bao gồm đại diện của các bên hòa giải - gồm Saudi Arabia và Mỹ, cũng như SAF và RSF."
Thỏa thuận ngừng bắn yêu cầu các bên rút "tất cả nhân viên có vũ trang khỏi các cơ sở y tế của đất nước để tạo cơ hội bắt đầu sửa chữa nhà ở và hệ thống tiện ích."
Đây là thỏa thuận dài hạn thứ hai về ngừng bắn nhân đạo mà SAF và RSF đạt được kể từ khi xung đột nổ ra. Thỏa thuận đầu tiên, lẽ ra phải được duy trì trong 10 ngày, song nhanh chóng bị đổ vỡ.
Tình hình ở Sudan leo thang trong bối cảnh bất đồng giữa người đứng đầu quân đội, Abdel Fattah al-Burhan, người cũng đứng đầu Hội đồng Chủ quyền cầm quyền, và người đứng đầu RSF Mohamed Hamdan Dagalo (còn được gọi là Hemedti), cấp phó của Tướng al-Burhan trong Hội đồng Chủ quyền.
Những vấn đề bất đồng chính giữa hai bên liên quan đến thời gian và phương pháp thống nhất các lực lượng vũ trang của Sudan, cũng như việc bổ nhiệm tổng tư lệnh quân đội.
[LHQ kêu gọi tài trợ bổ sung để giúp người chạy trốn xung đột ở Sudan]
Đêm 19 và sáng 20/5, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) đối địch.
Nhiều cuộc không kích đã xảy ra ở các khu vực lận cận thủ đô Khartoum trong bối cảnh nhiều dân thường đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến và cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng khi xung đột đã bước sang tuần thứ sáu liên tiếp.
Các nhân chứng cho biết không kích đã xảy ra ở Omdurman và Bahri. Đây là hai thành phố nằm dọc sông Nile, gần sát thủ đô Khartoum. Một số cuộc không kích xảy ra gần đài truyền hình quốc gia ở Omdurman.
Các nhân chứng ở Khartoum cho biết tình hình tương đối yên tĩnh mắc dù thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng súng nổ.
Cuộc xung đột bắt đầu nổ ra từ ngày 15/4 đã khiến hơn 1,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán hoặc di tản sang các nước láng giềng. Khoảng 705 người đã bị thiệt mạng và gần 5.300 người đã bị thương.
Chính phủ Mỹ đang đóng vai trò trung gian giữa quân đội Sudan và RSF.
Phía Mỹ cho biết hai bên đã đồng ý tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các mặt hàng viện trợ nhân đạo và bảo vệ thường dân khi hai bên gặp nhau tại Saudi Arabia vào đầu tháng này.
Quân đội Sudan và RSF đã đồng ý thỏa thuận ngừng bắn nhiều lần, nhưng các trận đánh vẫn tiếp diễn.
Ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng cuộc xung đột này có thể gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo liên quan đến các quốc gia xung quanh Sudan vì chưa có dấu hiệu cho thấy có khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài./
Theo Vietnam+