'Bông huệ trắng' Lydia Litvyak: Nữ phi công xuất sắc của Liên Xô

Google News

Không phải chỉ các nam phi công mới là anh hùng bắn hạ máy bay của phát xít Đức trong Thế chiến II. Các nữ phi công Liên Xô cũng lập được nhiều thành tích bắn hạ máy bay địch, trong đó có Lidya Litvyak.

Những tháng đầu của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là một thảm họa đối với Lực lượng Không quân Liên Xô. Nhiều máy bay chiến đấu trở thành mục tiêu ngay tại sân bay và bị phá hủy trong các cuộc tấn công của phát xít Đức.

Những phi công Liên Xô may mắn có cơ hội cất cánh lên bầu trời đã phải đối mặt với những phi công thiện chiến của Đức giàu kinh nghiệm và từng trải qua các cuộc xung đột lớn. Ngoài ra, phi công Liên Xô thường không có đủ thời gian để làm chủ các máy bay Yak-1, MiG-1 và MiG-3 mới vừa gia nhập phi đội, dẫn đến tỷ lệ thương vong rất cao.

Trong tình thế nguy cấp như vậy, giới lãnh đạo Liên Xô đã quyết định kêu gọi phụ nữ gia nhập Lực lượng Không quân và thành lập các đơn vị nữ phi công đặc biệt.

Một trong những người hưởng ứng tiếng gọi đó là Lydia Litvyak.

'Bong hue trang' Lydia Litvyak: Nu phi cong xuat sac cua Lien Xo

Lydia Litvyak là một trong những nữ phi công xuất sắc nhất của Liên Xô.

Phải sau vài lần bị từ chối, Litvyak mới được gia nhập Trung đoàn tiêm kích số 586, đội bay toàn nữ nổi tiếng của Liên Xô do đại tá Marina Raskova thành lập. Litvyak tham gia huấn luyện với tiêm kích Yak-1, chiến đấu cơ một chỗ ngồi nhỏ gọn nhưng đáng tin cậy. Sau này, cô trở thành nữ phi công thiện chiến nhất của Liên Xô, dù gặp phải nhiều thử thách lớn trong quá trình chiến đấu.

“Bông huệ trắng” của Stalingrad

Năm 1942, lần đầu tiên Litvyak được tham gia nhiệm vụ chiến đấu với tư cách là thành viên của Trung đoàn tiêm kích 586. Litvyak nhanh chóng trở thành một trong những phi công xuất sắc nhất, sau đó được chuyển sang trung đoàn thực hiện những nhiệm vụ quan trọng và nguy hiểm nhất.

Tháng 9/1942, Litvyak được điều về Trung đoàn tiêm kích số 437, một đơn vị toàn nam với nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Stalingrad. Litvyak đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu tuyệt vời của mình với thành tích diệt hai máy bay địch vào ngày 13/9, chỉ 3 ngày sau khi đến đơn vị. Nhờ đó, cô trở thành nữ phi công chiến đấu đầu tiên của Liên Xô bắn hạ máy bay địch, mang biệt danh “Lily” hay “Bông huệ trắng của Stalingrad”.

“Con mồi” đầu tiên bị Litvyak bắn hạ là một chiếc Junker Ju 88. Mục tiêu thứ hai là chiếc Messerschmitt Bf 109G, một trong những máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất vào thời điểm đó, do một phi công người Đức lái.

Phi công Đức đã nhảy dù khỏi chiếc Bf 109G đang rơi nhưng sau đó bị Liên Xô bắt giữ. Người này yêu cầu được gặp “phi công thiện chiến của Nga” đã bắn hạ máy bay. Khi Lydia được gọi đến, viên phi công Đức lúc đầu không tin rằng cô gái này lại có thể giáng cho mình một thất bại như vậy cho đến cô thuật lại chính xác mọi chi tiết của trận không chiến.

Vào cuối năm 1942, Litvyak được điều chuyển đến Trung đoàn Hàng không Chiến đấu Odessa, sau đó đến Trung đoàn 296. 

Với những thành tích đáng nể của mình, Litvyak trở thành một “thợ săn tự do” – chiến binh trên không có quyền tự do săn lùng và tiêu diệt máy bay địch theo ý muốn.

Theo Alexander Pokryshkin, một phi công thiện chiến của Liên Xô trong Thế chiến thứ hai, “thợ săn tự do” là hình thức chiến đấu cao nhất dành cho một chiến binh trên không.

'Bong hue trang' Lydia Litvyak: Nu phi cong xuat sac cua Lien Xo-Hinh-2

Lydia Litvyak đã thực hiện 168 lần cất cánh, giành được 12 chiến thắng trong những lần không chiến.
Chuyến bay cuối cùng

Năm 1943, những điều bất hạnh bắt đầu ập đến với Litvyak. Đầu tiên, chồng cô, Alexey Solomatin, cũng là một phi công chiến đấu, đã qua đời trong một vụ tai nạn vào ngày 21/5. Tháng 7 cùng năm, người bạn thân nhất của Litvyak, nữ phi công Yekaterina Budanova, hy sinh khi đang chiến đấu.

Những điều đó dường như là điềm xấu đối với Litvyak. Ngày 1/8, trong trận chiến bảo vệ Donbass, máy bay của Litvyak đã bị rơi khi đang làm nhiệm vụ. Litvyak khi ấy mới 21 tuổi.

Trong bảng tin của phòng truyền thống của đơn vị còn ghi: “Ngày 1/8/1943, trung đoàn của Lydia Litvyak nhận lệnh tuần tra trên không, yểm trợ cho lực lượng mặt đất, phối hợp bay cùng với Yak-1 của Lyda, có máy bay chiếc IL-2 của sư đoàn không quân số 1 Stalingrad. Yak-1 của Lyda và IL-2 phải đương đầu với 12 chiếc Ju-88 và 4 chiếc Me-109 của Đức quốc xã, với sức mạnh áp đảo của không quân Đức, chiếc Yak-1 của Lyda bị 4 chiếc Me-109 bao vây, tấn công và bị bắn bị rơi xuống vùng Marinovka, tỉnh Donetsk. Nhìn lại cả quá trình chiến đấu, Lydia Litvyak đã thực hiện 168 lần cất cánh, giành được 12 chiến thắng trong những lần không chiến”.

Do mất tích trong lúc chiến đấu, Litvyak không được tôn vinh là Anh hùng Liên Xô, danh hiệu quân sự cao quý nhất của quốc gia, vì giới lãnh đạo lo rằng Litvyak có thể đã bị quân Đức bắt làm tù binh.

Trong nỗ lực chứng tỏ Litvyak không bị phát xít Đức bắt giữ, Thượng sĩ Inna Pasportnikova cùng các đồng đội khác của Litvyak trong chiến tranh, đã tiến hành cuộc tìm kiếm kéo dài 36 năm để xác định địa điểm chiếc Yak-1 rơi.

Tới năm 1979, sau khi thăm dò hơn 90 địa điểm khác nhau và tìm thấy 30 phi công mất tích, họ đã phát hiện một nữ phi công chưa rõ danh tính được chôn ở làng Dmitrievka, tỉnh Shakhterski, nơi ngày nay là Kazakhstan

Ủy ban chuyên gia được thành lập đã xác nhận đây chính là Lydia Litvyak, người đã hy sinh trong chiến đấu sau khi bị một vết thương chí mạng ở đầu. 

Ngày 6/5/1990, theo sắc lệnh đặc biệt của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, nữ phi công Lidya Litvyak đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Theo Hoàng Phạm/VOV.VN