Vì tổng thống có quyền lựa chọn một bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm phù hợp hơn với mình trong vấn đề này và những vấn đề khác, tôi tin rằng việc tôi từ chức là đúng đắn", Reuters dẫn lá thư từ chức do Lầu Năm Góc công bố.
Trong bài đăng trên Twitter hôm 20/12, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết Bộ trưởng Mattis sẽ "nghỉ hưu" vào cuối tháng 2/2019.
"Tướng James Mattis sẽ rời chức trong vinh dự vào cuối tháng 2 tới, sau khi phục vụ trong chính quyền của tôi với tư cách là bộ trưởng Quốc phòng trong hai năm qua", ông Trump "tweet".
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ông Mattis đã từ chức trong cuộc họp với Tổng thống Trump hôm 20/12, khi đó giữa hai người có quan điểm khác biệt đối với một số vấn đề.
Bất đồng vấn đề Syria
CNBC dẫn lời quan chức Lầu Năm Góc cho biết ông Mattis đã trao tận tay thư từ chức cho tổng thống Mỹ sau nhiều quan điểm bất đồng về việc Mỹ rút quân khỏi Syria.
Hôm 19/12, ông Trump tuyên bố sẽ rút 2.000 binh lĩnh Mỹ khỏi Syria vì "đã đánh bại ISIS", "lý do duy nhất" để Mỹ hiện diện ở đất nước này dưới thời chính quyền Trump.
Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ một số đồng minh của tổng thống Mỹ trong Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng động thái của ông Trump là chính xác, vì quân đội Mỹ không có quyền hợp pháp để hiện diện ở Syria.
Washington Post dẫn lời một quan chức trong chính quyền cho biết trước đây Bộ trưởng Mattis từng nhấn mạnh sứ mệnh chống khủng bố ở Syria chưa hoàn thành và Mỹ nên giữ hiện diện quân sự tối thiểu ở quốc gia này.
"Niềm tin cốt lõi mà tôi luôn nắm giữ là sức mạnh quốc gia chúng ta gắn bó chặt chẽ với sức mạnh của hệ thống đối tác cũng như đồng minh đặc biệt và toàn diện của Mỹ... Tôi từng nói ngay từ đầu rằng lực lượng quân đội Mỹ không nên trở thành cảnh sát của thế giới, chúng ta không thể bảo vệ lợi ích của mình hoặc đóng vai trò đó một cách hiệu quả mà không quy trì quan hệ đồng minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với họ", bộ trưởng Quốc phòng Mỹ viết trong thư.
|
Ông Mattis từng là người nhận được sự kính trọng của tổng thống trong chính quyền nhưng quan hệ đôi bên đã xấu đi trong những tháng gần đây. Ảnh: Reuters.Cảnh báo về Trung Quốc và Nga |
Trong thư từ chức, ông Mattis cũng cho rằng Mỹ phải có thái độ "rõ ràng" với các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Ông tin rằng Mỹ cần thể hiện sự tôn trọng của mình với các đồng minh và cần đứng lên chống lại các "nhân tố hung ác".
"Tôi tin rằng chúng ta phải kiên quyết và rõ ràng trong cách tiếp cận với các quốc gia mà lợi ích chiến lược của họ đang ngày càng xung đột với lợi ích của Mỹ. Ví dụ, rõ ràng là Trung Quốc và Nga muốn định hình một thế giới phù hợp với hình mẫu độc đoán của họ... để tăng cường lợi ích kinh tế đối với các quốc gia láng giềng, Mỹ và đồng minh của chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta phải sử dụng tất cả những công cụ sức mạnh của mình cho việc phòng thủ chung", ông viết.
Theo Washington Post, vị tướng 4 sao James Mattis nghỉ hưu vào năm 2013 và nhận được sự đặc cách của quốc hội để trở thành bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2016 (theo luật, người đứng đầu Lầu Năm Góc phải rời khỏi quân đội ít nhất 7 năm trước đó). Từ đó đến nay theo các quan chức chính phủ, mối quan hệ giữa ông Mattis và tổng thống dần đi xuống và đang ở điểm thấp nhất.
Từ tháng 10, ông Mattis được dự đoán có thể sẽ ra đi sau khi ông Trump trả lời phỏng vấn đài CBS rằng vị tướng này là "một dạng đảng viên Dân chủ". Tuy nhiên, ông Mattis sau đó tuyên bố rằng ông chưa từng tham gia một đảng phái chính trị nào.
Ông Mattis là người tiếp theo trong danh sách quan chức cấp cao của chính quyền Trump từ chức hoặc bị sa thải trong năm nay. Vào tháng 3, ông Trump cũng sa thải cựu ngoại trưởng Rex Tillerson qua một bài đăng trên Twitter.
Theo Viện nghiên cứu Brookings, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có tỷ lệ ra đi của quan cấp cao ở mức cao nhất so với 5 chính quyền tiền nhiệm.
Theo Hương Ly/Zing