|
Chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin, phát biểu trong cuộc họp báo về tiến trình điều tra vụ rơi máy bay MH17. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 17/9, Bộ Quốc phòng Nga công bố nội dung băng ghi âm trao đổi qua điện thoại giữa giới chỉ huy quân sự Ukraine cho thấy Kiev có liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Hãng hàng không Malaysian Airlines năm 2014 trên lãnh thổ Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong buổi họp báo của Bộ Quốc phòng Nga, các nhà báo đã được nghe các đoạn trích từ băng ghi âm trao đổi qua điện thoại hồi năm 2016.
Theo đó, trên địa phận tỉnh Odessa của Ukraine khi lắp đặt trạm định vị vô tuyến “Malakhit” để chuẩn bị cho cuộc tập trận “Rubezh-2016” đã diễn ra đoạn hội thoại về khả năng trạm định vị trên của Ukraine không hoạt động trong khi Ukraine đóng cửa bầu trời.
Đoạn thoại có câu kết thúc như sau: “Các cậu này, nếu cứ như vậy chúng ta sẽ có thêm một Boeing Malaysia nữa đó.”
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết một số câu thoại không được công bố vì ngôn ngữ thiếu lịch sự và qua phân tích cho thấy một trong hai người đối thoại là trung tá Ukraine Ruslan Grinchak.
Hiện ông Grinchak đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng lực lượng không quân “Zapad” của Quân đội Ukraine. Hồi năm 2014, ông là lữ đoàn trưởng Lữ đoàn kỹ thuật vô tuyến số 164 của Lực lượng phòng không Ukraine.
Cũng tại cuộc họp báo trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố số hiệu quả tên lửa bắn hạ chiếc máy bay MH17, theo đó, quả tên lửa này thuộc về quân đội Ukraine.
Quả tên lửa này được chế tạo tại thành phố Dolgoprudnui năm 1986, sau đó được phiên chế cho đơn vị quân đội trên lãnh thổ Ukraine và từ đó không quay trở về nước Nga nữa.
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine. Các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu là người Hà Lan.
Một báo cáo của Ủy ban điều tra vụ tai nạn (gồm đại diện của 5 nước Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine) công bố tháng 9/2016 kết luận rằng máy bay đã bị bắn bởi một tên lửa Buk do Nga sản xuất, từ một khu vực ở Đông Ukraine do lực lượng đòi độc lập kiểm soát.
Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này.
Tuy nhiên, Moskva và những người đứng đầu lực lượng nổi dậy ở Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát./.
Theo TÂM HẰNG/TTXVN/VIETNAM+