Vụ việc được cho là xuất phát từ những cuộc biểu tình phản đối tăng thuế ở quốc gia châu Phi này. Diễn biến nghiêm trọng ở Kenya đã khiến dư luận không khỏi quan ngại.
Trong bài phát biểu toàn quốc trên truyền hình, Tổng thống Kenya William Ruto đã bày tỏ quan ngại về vụ bạo loạn xảy ra hôm qua. Cảnh sát đã buộc phải nổ súng khi những người biểu tình cố xông vào trụ sở quốc hội nước này khi các nghị sĩ đang bỏ phiếu về dự luật tăng thuế. Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình nổ ra sau đó đã khiến ít nhất 10 người biểu tình thiệt mạng và 50 người bị thương trong khi nhiều cơ sở hạ tầng bị phóng hỏa và đốt phá.
Theo ông Ruto, các sự kiện xảy ra trong ngày là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia. Ông cam kết sẽ có phản ứng nhanh chóng đối với vụ việc:
“Kenya đã trải qua một cuộc tấn công chưa từng có vào nền dân chủ, pháp quyền và tính toàn vẹn của các thể chế hiến pháp. Cuộc tấn công hôm nay nhằm vào trật tự hiến pháp của Kenya đã dẫn đến thiệt hại về người, tài sản cũng như sự xúc phạm đến các thể chế và biểu tượng chủ quyền của chúng ta. Các việc này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách chúng ta ứng phó với các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta. Tôi đảm bảo với quốc gia rằng chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực trong khả năng của quốc gia để đảm bảo rằng tình trạng như thế này sẽ không tái diễn nữa”.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống William Ruto, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya, Aden Duale cho biết quân đội đã được triển khai để giúp cảnh sát đối phó với tình trạng khẩn cấp về an ninh.
Các cuộc biểu tình tại Kenya bắt đầu từ ngày 18/6, trước khi lan rộng trên toàn quốc ngày 20/6. Những người biểu tình phản đối việc chính phủ dự định thu thêm thuế để giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ vay. Chính phủ Kenya đã đưa ra một số nhượng bộ, cam kết bãi bỏ các loại thuế mới được đề xuất đối với bánh mì, dầu ăn, ô tô và các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ để xoa dịu những người biểu tình. Kenya hiện đang phải vật lộn để đối phó với một số vấn đề kinh tế do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine, hạn hán 2 năm liên tiếp và đồng nội tệ mất giá.
Dư luận đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến nghiêm trọng tại Kenya. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua đã kêu gọi lực lượng cảnh sát và an ninh kiềm chế ở Kenya, đồng thời kêu gọi người biểu tình ôn hòa. Dẫn lời Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại họp báo, Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh:
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao những gì đang diễn ra ở Nairobi và Kenya. Tổng thư ký bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực cũng như số người thương vong trong các cuộc biểu tình ở Kenya. Quyền biểu tình một cách hòa bình của người dân phải được tôn trọng. Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, chính quyền cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng các quyền đó được tôn trọng. Chúng tôi kêu gọi cảnh sát, chính quyền và lực lượng an ninh ở Kenya kiềm chế và yêu cầu người biểu tình hành động một cách hòa bình”.
Các đại sứ và cao ủy từ các quốc gia bao gồm Vương quốc Anh, Đức ở Kenya cho biết trong một tuyên bố chung rằng họ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án bạo lực trong các cuộc biểu tình ở Nairobi, đồng thời kêu gọi các bên tại Kenya kiềm chế và tạo không gian cho đối thoại.
Theo Hồng Nhung/VOV1