"Người cá"
Bà Diana Botutihe được sinh ra trên biển, là người của bộ lạc “người cá” Bajau Laut, đồng thời cũng là một trong những người du mục biển cuối cùng của thế giới. Bà đã dành toàn bộ hơn 50 năm cuộc đời sống lênh đênh trên biển cùng với chiếc thuyền dài vỏn vẹn 5m, rộng 1,5m. Bà chỉ về đất liền khi đổi cá lấy những nhu yếu phẩm như gạo, nước, thực phẩm…
Mới 40 tuổi, nhưng người đàn ông tên Imran lại có vẻ ngoài già hơn so với tuổi, da đen và cặp mắt màu xanh nhạt. Imran cũng dành phần lớn cuộc đời mình trên biển. “Chúng tôi sống trên biển cùng với chiếc thuyền lepa lepa có khi tới 6 tháng mới quay trở lại làng một lần. Đó là chuyện quá đỗi bình thường của người Bajau”, Imran nói.
|
“Người cá” Bajau có thể lặn sâu 70m không cần bất kỳ thiết bị bảo hộ nào |
Hay cô Ane Kasim, người phụ nữ sống cùng với cậu con trai 15 tuổi. Chồng cô đã chết từ sớm, vì là phụ nữ nên cô không thể đóng nổi một con thuyền tử tế, nhưng khi được hỏi rằng cô muốn sống trên đất liền hay biển, Ane Kasim trả lời dứt khoát: “Tôi thích sống ở biển, bắt cá, chèo thuyền và cảm nhận mọi thứ từ nóng đến lạnh, từ mưa đến nắng nóng cháy da, hay những con sóng cuộn trào mỗi khi biển động. Tôi yêu mọi thứ thuộc về biển cả”.
Đó chính là những người Bajau Laut sống trên vùng biển Sulawesi hàng thế kỷ qua.
Biển là nhà
Người Bajau từ bé tới lớn đều sống trên biển. Trẻ con có thể giúp bố mẹ đánh bắt cá từ năm 8 tuổi. Sống dựa vào biển, do vậy trong tiềm thức của họ, biển cả chính là nhà.
Nguồn gốc của người Bajau không rõ ràng. Chỉ biết rằng, khi thương mại thịnh vượng dưới triều đại Malay giàu có từ thế kỷ 15 trở đi, họ đã di cư về phía nam với số lượng lớn. Theo truyền thuyết, xưa có một công chúa đến từ Johor (Malaysia) bị cuốn trôi ra đảo trong trận lũ quét. Vua cha quá đau buồn nên đã hạ lệnh cho nhóm người ra khơi để tìm kiếm. Họ chỉ được phép trở về khi thấy công chúa. Trong suốt thời gian dài ròng rã, cả nhóm không thấy bóng dáng công chúa đâu. Không thể quay về đất liền, họ đành ở lại và sống lênh đênh trên biển, hình thành bộ tộc du mục Bajau Laut của ngày nay.
Bộ lạc Bajau Laut sống trên biển suốt hàng thế kỷ và suốt một thời gian dài thế giới bên ngoài không hề biết đến sự tồn tại của họ. Điều đặc biệt của bộ tộc này là mặc dù sống trên vùng biển của Malaysia nhưng họ không thuộc về bất cứ quốc gia nào. Do không có quốc tịch, người Bajau Laut không có bất cứ quyền công dân hay các chế độ phúc lợi xã hội mà một con người có quyền được hưởng.
Sau này, cuộc sống du mục của họ gây ra sự tranh cãi nên người Bajau di chuyển về đất liền. Tuy nhiên, họ chỉ xây những ngôi nhà nổi sát bờ biển và duy trì nếp sống mang tính hoang dã như cũ. Thức ăn của họ đơn giản là cá và những củ tinh bột. Họ cũng lấy tinh bột sắn trộn với nước, lá khô rồi bôi lên mặt giống như một loại kem giúp bảo vệ làn da và chống lại thời tiết gay gắt vùng biển nhiệt đới. Ngoài ra, họ săn bắt hải sản mang lên bờ đổi lấy gạo, nước và các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Biệt tài lặn như cá
Sở dĩ người Bajau được mệnh danh là “người cá” vì họ là những thợ lặn tài ba nhất thế giới. Họ có thể vô tư lặn sâu xuống 20-30m dưới đáy biển trong vòng 5 phút để bắt cá, bạch tuộc hoặc mò ngọc trai, hải sâm… Toàn những tài nguyên quý hiếm của biển cả. Đặc biệt, khi đi săn bắt họ chỉ sử dụng một cây giáo thô sơ và chiếc kính lặn tự chế làm bằng gỗ mà không cần bình dưỡng khí.
Tuy nhiên, việc lặn sâu dưới nước trong thời gian dài khiến màng nhĩ của họ tổn thương nghiêm trọng. Thế nên hầu hết người Bajau bị lãng tai hoặc điếc. Vì lý do này, trẻ em của bộ tộc được người lớn hướng dẫn cách bơi lặn và đánh cá khi còn rất nhỏ. Nhưng để tránh tai không bị sức ép của nước khi lặn sâu, người ta sẽ chọc thủng màng nhĩ của những đứa trẻ và chờ vết thương lành dần. Sau đó, chúng bơi lội thoải mái mà không đau đớn.
Cuộc sống du cư của bộ lạc người “người cá” chuyên nghề đi biển thu lượm hải sản, cùng với khả năng nín thở một cách kỳ diệu, được xem là hiện tượng kỳ lạ thu hút sự quan tâm đặc biệt của một số nhà khoa học trên thế giới.
Tiến sĩ Melissa Ann Ilardo ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: “Họ có thể lặn nhiều lần trong khoảng 8 giờ mỗi ngày, nghĩa là dành khoảng 60% thời gian ở dưới nước. Điều đó cho thấy họ nín thở được khoảng từ 30 giây tới vài phút đồng thời dễ dàng lặn xuống độ sâu hơn 70m”. Đáng ngạc nhiên hơn là khi lặn sâu, người Bajau chỉ đeo mặt nạ bằng gỗ hoặc kính tự chế.
Theo ông Ilardo, lá lách rõ ràng là bộ phận cần được nghiên cứu về sự thích ứng với cuộc sống dưới biển như thế. “Loài hải cẩu bơi lặn dưới biển lạnh có lá lách to hơn bình thường. Lá lách là cơ quan nằm gần dạ dày, có chức năng loại bỏ tế bào cũ trong máu và hoạt động như một bình oxy trong cơ thể người khi lặn sâu. Do đó, tôi nghĩ rằng người Bajau cũng sở hữu năng lực tương tự nhờ có lá lách to hơn người thường”, chuyên gia này nói.
Để nghiên cứu, tiến sĩ Ilardo mang theo thiết bị siêu âm di động đến khu vực người Bajau sinh sống ở Indonesia và đề nghị họ hợp tác tìm hiểu về lá lách. Kết quả cho thấy thợ lặn và những người không phải thợ lặn khác trong cộng đồng Bajau đều có kích thước lá lách giống nhau. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu so sánh người Bajau với nhóm tộc người láng giềng gọi là Saluan làm nghề nông, họ phát hiện tộc người Bajau có lá lách trung bình lớn hơn 50%. Điều này chứng minh rằng độ to lớn của lá lách là hệ quả của việc lặn sâu thường xuyên.
Kế đến, nhóm nghiên cứu so sánh bộ gene của người Bajau với người Saluan và người Trung Quốc để tìm hiểu về quá trình chọn lọc tự nhiên. Đồng tác giả nghiên cứu, ông Rasmus Nielsen - giáo sư Đại học California ở Berkeley (Mỹ) - cho biết: “Chúng tôi đặt vấn đề liệu có biến thể gene nào diễn ra với tần suất cao hơn ở người Bajau so với các tộc người khác không?”. Kết quả cho thấy có 25 vùng trong bộ gene của người Bajau khác hẳn với các tộc người khác. Có thể nói, người Bajau là một trường hợp kỳ diệu về cách cơ thể con người thích nghi với môi trường xung quanh.
Sắp hết thời “du mục”
Theo nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), ngành công nghiệp khai thác hải sản có giá trị lên đến 800 triệu USD/năm. Và khi nói đến hoạt động phá hoại biển khi đánh bắt cá, người Bajau là một trong những “tội đồ”.
Không chỉ sử dụng cây giáo thô sơ để săn bắt hải sản, sau này người Bajau còn học binh lính trong Thế chiến thứ hai về kỹ thuật đánh cá bằng thuốc nổ làm từ phân bón. Ngoài ra, người Bajau còn dùng chất hóa học kali xyanua để bắt cá.
Những cách thức đánh bắt nguy hiểm này vô tình khiến nhiều rạn san hô quý biến mất, môi trường biển ô nhiễm. Điển hình là Torosiaje-một trong số những vùng biển mà người Bajau sinh sống. Từng được bao bọc bởi đầy ắp những rạn san hô và những loài hải sản quý hiếm, nhưng giờ đây vùng biển thơ mộng khi xưa chỉ còn những mảnh vụn hoang tàn do hoạt động khai thác quá mức.
Trước tình trạng này, chính phủ Malaysia, Tổ chức Bảo tồn quốc tế và WWF đã tạo ra những chương trình quản lý khuyến khích người Bajau đánh bắt hải sản một cách bền vững, khuyến khích họ tham gia vào việc nuôi cá theo hình thức công nghiệp. Trong những năm gần đây, những người Bajau trẻ tuổi đã không còn mặn mà với việc bám biển. Họ đã di cư tới các thành phố trên đất liền để kiếm sống. Giờ đây, số lượng người Bajau sống lênh đênh trên biển không còn nhiều, chủ yếu là những người già trong bộ tộc. Việc này đồng nghĩa rằng bộ tộc “người cá” Bajau chuẩn bị kết thúc cuộc sống du mục của mình để bước sang cuộc sống hiện đại.
Theo Thương Mến/Baophapluat