Vinayak Bhat đã làm việc cật lực trong vài tháng qua. Kết quả công việc của vị đại tá Ấn Độ về hưu, một bản phân tích kỹ lưỡng dựa trên những hình ảnh vệ tinh đang vén ngược bức màn hòa bình mà Trung Quốc và Ấn Độ đã phủ xuống quan hệ song phương kể từ khi họ đồng ý rút quân và chấm dứt nguy cơ chiến tranh vì xung đột trên cao nguyên Doklam vào mùa hè năm 2017.
Phân tích của Bhat cũng đặt ra những câu hỏi gây bẽ mặt cho New Delhi về thỏa thuận họ đạt được với Bắc Kinh trong việc duy trì hòa bình ở "ngã ba" Sikkim - Bhutan - Tây Tạng.
Trong một báo cáo được trình bày dưới dạng đồ họa đăng trên ThePrint, vị cứu binh đã mô tả chi tiết về việc quân đội Trung Quốc triển khai nhân sự dày đặc gần với khu vực căng thẳng năm 2017 và việc xây dựng tại Bắc Doklam, bao gồm các công trình cột bê tông, bãi đáp trực thăng, đường hầm và một tháp quan sát bằng bê tông chỉ cách đường hầm của quân đội Ấn Độ không tới 10 m.
Các vị trí phục vụ cho chiến đấu được xây dựng hầu như ở mỗi phần nhô lên của của cao nguyên Bắc Doklam.
|
Các cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng, bố trí ở cao nguyên Doklam. Ảnh: Vinayak Bhat. |
Báo cáo của ông Bhat đã xác nhận cho những nghi vấn rằng quân đội Trung Quốc thật ra đang tiến sâu vào khu vực này thay vì rời khỏi.
Sự "ở lại" của người Trung Quốc
"Tất cả những cấu trúc trên chỉ xuất hiện sau ngày 16/6, theo hình ảnh từ vệ tinh", vị đại tá về hưu nói với South China Morning Post. "Trung Quốc đang cố gắng thay đổi hiện trạng ở Bắc Doklam. Ấn Độ phải phản đối vì toàn bộ khu vực nằm trong diện tranh chấp".
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ hầu như không có động thái gì và khăng khăng rằng mọi việc vẫn ổn. Sau khi đảng đối lập trong quốc hội chỉ ra những hình ảnh vệ tinh để lập luận rằng chính phủ "đánh lừa" công chúng và "ngủ quên" trong lúc Trung Quốc tạo ra một cuộc xung đột "Doklam 2.0", chính phủ làm rõ rằng hiện trạng ở khu vực đối đầu năm 2017 vẫn được giữ nguyên. Chính phủ cũng bác bỏ các thông tin như của ông Bhat là "sai lệch và có hại" nhưng nói thêm rằng họ đang sử dụng "các cơ chế đã được thiết lập" để giải quyết "hiểu lầm" về Doklam.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat bày tỏ cùng quan ngại khi nói rằng quân đội Trung Quốc vẫn hiện diện ở khu vực này, "dù không phải với số lượng mà chúng tôi thấy trước đó". Ông cũng cho biết quân đội Trung Quốc "đã tiến hành một số hoạt động phát triển hạ tầng, hầu hết ở dạng tạm thời".
Dù nhấn mạnh rằng "tình cảm" đôi bên đã trở lại ở mức "tiền Doklam", vị tướng này cũng cho rằng Ấn Độ nên chuyển trọng tâm chú ý từ biên giới phía tây, nơi họ có căng thẳng với Pakistan, sang biên giới phía bắc với Trung Quốc.
|
Các nhà lập pháp Ấn Độ kêu gọi chính phủ chú ý hơn đến vùng biên giới phía bắc với Trung Quốc. |
Trong một bài xã luận vào tuần này, tờ The Hindu của Ấn Độ nói rằng những thông điệp mâu thuẫn nhau từ chính phủ cho thấy sự trật bánh của thỏa thuận được công bố hồi tháng 8/2017. Tờ báo yêu cầu chính phủ dẹp bỏ sự mơ hồ và chia sẻ các chi tiết về những việc đang xảy ra tại Doklam
"Việc xây dựng của Trung Quốc có vẻ ở một mức độ khuếch đại khác so với bất cứ thứ gì từng được thấy trong quá khứ và (chúng ta) nên lo ngại điều đó", nghị sĩ của đảng đối lập và là người đứng đầu ủy ban phụ trách đối ngoại trong quốc hội, ông Shashi Tharoor nói với South China Morning Post. "Chính phủ chọn cách biến bất đồng tại điểm đối đầu trở thành một chiến thắng ngoại giao".
Ông cho biết vấn đề này đã được đề cập nhiều lần trong ủy ban nhưng không nói thêm liệu có những "cuộc tranh cãi sau cánh cửa đóng kín" hay không.
Trong khi chính phủ tuyên bố chiến thắng của "ngoại giao im lặng" sau khi chấm dứt cuộc đối đầu căng thẳng, những gì xảy ra ở Doklam không hề yên ả.
Chiến thắng ngoại giao "hữu danh vô thực"?
Trước khi trở thành thủ tướng vào năm 2014, Narendra Modi là lãnh đạo đối lập thường xuyên chỉ trích chính phủ khi đó có cách tiếp cận quá hiền lành đối với Bắc Kinh.
Căng thẳng ở Doklam năm 2017 xảy đến ngay trước cuộc bầu cử vùng tại Ấn Độ đã củng cố thêm hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy tinh thần dân tộc sau khi ông có cuộc "cân não" nghẹt thở với Trung Quốc. Hồi tháng 6/2017, Bắc Kinh đưa công binh và máy móc cơ giới tiến vào Doklam, vùng tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan, để xây dựng các công trình giao thông. Ấn Độ, đồng minh bảo hộ Bhutan về mặt quốc phòng, đã triển khai quân đội đến đây và kéo theo cảnh hàng nghìn binh sĩ hai bên đối đầu "gần như trực diện" trong 2 tháng, cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận xuống thang căng thẳng.
|
Căng thẳng tại Doklam khiến Trung Quốc và Ấn Độ huy động hàng nghìn binh sĩ tới khu vực này. Ảnh: The National Interest. |
Trong khi Ấn Độ ra một thông báo dài 2 khổ về việc chấm dứt căng thẳng với Trung Quốc và rằng 2 bên đều rút quân, Trung Quốc chưa từng thừa nhận rằng họ đang rút quân về. Ngay cả khi Ấn Độ được xác nhận đang rút các nhân sự đang ở "phi pháp trong lãnh thổ Trung Quốc", Bắc Kinh vẫn nói rằng quân đội của họ sẽ tiếp tục tuần tra khu vực này.
"Điều này cho phép các chính trị gia và những người có đầu óc chính trị trong cộng đồng chiến lược Ấn Độ reo mừng về 'chiến thắng'. Trong khi đó, người Trung Quốc có thể làm tất cả những gì họ muốn trên những khu vực thuộc lãnh thổ Bhutan nhưng nằm trong tầm có thể kiểm soát của họ", ông Jabin Jacob, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi, nhận định.
Doklam 2.0 - "quả cầu tuyết" đang lớn dần?
Trong lúc nguy cơ về một cuộc xung đột gia tăng, như quả cầu tuyết được đắp dày lên, Trung Quốc đã bắt đầu khẳng định rằng Doklam thuộc về họ và việc Trung Quốc hành xử ra sao tại đây không liên quan các nước khác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng cảnh báo Ấn Độ không vượt qua biên giới một lần nữa khi khu vực tranh chấp là chuyện giữa Trung Quốc và Bhutan.
|
Vùng "ngã ba" giữa 3 nước Bhutan - Ấn Độ - Trung Quốc. Nguồn: South China Morning Post. |
Nếu một cuộc khủng hoảng mới nổ ra, tình hình sẽ khó giải quyết hơn vì "Ấn Độ không thể gây áp lực như lần vừa rồi", đại tá về hưu và nhà phân tích quân sự Ajai Shukla nói. "Một thành tựu lớn cho Trung Quốc sau căng thẳng Doklam là sự công nhận họ cần thôi việc tuần tra trên xe ở đây, thay vì đó thiết lập một sự hiện diện lâu dài. Đó chính là điều họ đang làm".
Sourabh Gupta, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tại Washington, cũng đồng ý quan điểm trên và cho rằng thỏa thuận giảm thang căng thẳng vào năm 2017 vẫn còn hiệu lực nhưng sự hiện diện lâu dài của quân đội Trung Quốc tại đây chính là cái giá Ấn Độ phải trả cho thắng lợi chiến thuật đó.
"Việc xuống thang được nói đến ở Ấn Độ như một chiến thắng to lớn trong việc ép Trung Quốc phải lùi bước. Vì vậy, có một sự mông lung trong việc chiến thắng này lại kéo theo việc Trung Quốc xây dựng hiện diện ở quy mô rộng hơn và lâu dài hơn tại Doklam, điều mà Ấn Độ sẽ không hài lòng. Đây không phải là ý định ban đầu khi căng thẳng kết thúc, và sự mờ mịt này là nguồn cơn sợ hãi đối với những ý định của Trung Quốc tại Doklam", ông Gupta nói.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn ở địa thế cao hơn ở rìa phía nam của cao nguyên Doklam so với Bắc Doklam. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng có thể giúp Trung Quốc quan sát tốt hơn nhưng không thể thay đổi lợi thế của Ấn Độ tại đó.
Dù phía Ấn Độ cho rằng việc giải quyết căng thẳng ở Doklam là một thắng lợi ngoại giao, người Trung Quốc không hề rút quân và nguy cơ xung đột luôn tồn tại. Ảnh: AFP.
Dù vậy, những mối lo lắng thật sự vượt lên trên cả Doklam.
"Mỗi lo lắng lớn hơn là những khu vực khác nơi người Ấn Độ ở thế bất lợi hoặc không thể chi viện nhanh. Và rõ ràng là lực lượng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải nhìn thấy nhau nhiều hơn ở đường biên giới sau xung đột Doklam", ông Jacob nói.
Theo Phương Thảo/Zing.vn