Nỗi sợ hãi lại một lần nữa bao trùm khắp thế giới khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rủi ro từ biến chủng mới là "rất cao".
Nhưng một lần nữa, các quốc gia trên toàn cầu lại vận hành theo cách thiếu bằng chứng xác đáng. Mỗi chính phủ của từng lục địa, từng quốc gia, thậm chí từng thành phố lại chọn cách tiếp cận khác nhau, theo New York Times.
Mỗi quốc gia một phản ứng
Israel, quốc gia đầu tiên áp đặt lệnh cấm đi lại, đã cấp cho cơ quan tình báo quyền tạm thời truy cập để theo dõi dữ liệu di động của những người nhiễm biến chủng Omicron.
Châu Âu tăng tốc tiêm mũi tăng cường với hy vọng chống lại Omicron. Họ cũng điều chỉnh hoặc xem xét lại một loại biện pháp phòng dịch, trong đó có cả những quốc gia "cứng đầu" như Anh.
Tại Italy, nơi giữ tỷ lệ lây nhiễm thấp với một số quy tắc nghiêm ngặt nhất châu Âu, nhiều ý kiến thúc giục chính phủ áp dụng quy định về sử dụng khẩu trang ở ngoài trời từ ngày 6/12 đến 15/1/2022 - thời điểm người dân tụ tập mua sắm ăn mừng Giáng sinh và năm mới.
Anh đưa ra quy định mới về khẩu trang và hạn chế đi lại, đồng thời không còn phản đối gay gắt với những ý kiến liên quan tới hộ chiếu vaccine và khẩu trang trong nhà. Ban cố vấn vaccine của Anh thông báo họ đang đề xuất mở rộng chương trình tiêm mũi thứ 3 vào hôm 29/11.
Ở Đức, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch mới nhất, nỗi sợ hãi về biến chủng Omicron hiện hữu khắp mọi nơi.
Hôm 29/11, chính phủ Đức thông báo Thủ tướng Angela Merkel, thống đốc các bang và Olaf Scholz, người kế nhiệm bà Merkel làm thủ tướng vào tuần tới, đã tiến hành họp về khả năng phong tỏa trong chín ngày.
“Chúng ta cần câu giờ”, Karl Lauterbach, chuyên gia y tế công cộng, người được coi là ứng cử viên nặng ký cho chức bộ trưởng y tế mới của chính phủ Đức, cho biết trên Twitter. “Không có gì tồi tệ hơn nếu biến chủng mới thâm nhập vào làn sóng dịch hiện tại".
|
Quầy bán vé tại Sân bay Quốc tế Tambo ở Johannesburg vào ngày 29/11. Ảnh: AP. |
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên không áp đặt thêm hạn chế đi lại đối với công dân nước mình.
Trái ngược với các quy định của châu Âu, Trung Quốc theo đuổi chính sách nhất quán và dễ hiểu hơn: Tiếp tục với chính sách "Zero Covid-19", đóng cửa nghiêm ngặt với phần còn lại của thế giới.
Ở những nơi khác tại châu Á, người dân dường như tập trung vào việc kiếm sống hơn là tiêu diệt virus.
"Tin tức này thật kinh hoàng", Gurinder Singh - 57 tuổi sống ở New Delhi - cho biết. “Nếu loại virus này lây lan ở Ấn Độ, chính phủ sẽ đóng cửa đất nước một lần nữa, và chúng tôi buộc phải đi ăn xin”.
Một số quốc gia đã yêu cầu bắt buộc tiêm chủng để hạn chế sự lây lan của virus corona. Vào ngày 28/11, Ghana thông báo nhân viên chính phủ, chăm sóc sức khỏe, làm việc tại trường và học sinh cần tiêm phòng trước ngày 22/1/2022.
Dữ liệu chưa đầy đủ
Thế giới hiện biết rất ít về Omicron trừ số lượng lớn đột biến của biến chủng này. Ít nhất sẽ mất vài tuần trước khi các nhà khoa học có thể tự tin nói rằng liệu Omicron có dễ lây lan hơn không, dù bằng chứng ban đầu cho thấy có xảy ra hiện tượng này, và biến chủng mới có gây bệnh nặng và hiệu quả của vaccine với biến chủng này ra sao.
Tại Mỹ, các quan chức liên bang hôm 29/11 kêu gọi mọi người đi tiêm mũi nhắc lại. Tổng thống Joe Biden tìm cách trấn an người Mỹ, nói rằng biến chủng mới là nguyên nhân "gây lo ngại, chứ không phải là gây hoảng sợ". Chính quyền ông Biden đang làm việc với các nhà sản xuất để sửa đổi vaccine nếu điều đó là cần thiết.
"Chúng tôi đang tập trung hoàn toàn vào loại virus này, theo dõi nó từ mọi góc độ", tổng thống phát biểu.
Ở miền Nam châu Phi, nơi các nhà khoa học lần đầu tiên xác định được Omicron trong bối cảnh phần lớn dân số chưa được tiêm chủng, giới chức cho rằng lệnh cấm di chuyển là phản tác dụng khi họ cần theo dõi virus một cách minh bạch.
Họ cũng nhấn mạnh sự không công bằng trong phân phối vaccine đã khiến châu Phi không được bảo vệ khi phải đối mặt với biến chủng mới.
Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Hà Lan thông báo họ phát hiện biến chủng Omicron trong mẫu thử được lấy từ ngày 19 và 23/11, trước cả khi Nam Phi báo động về biến chủng mới. Hiện chưa rõ những người được lấy mẫu này có từng đến khu vực phía Nam châu Phi hay không.
Cần cách tiếp cận toàn diện
New York Times trích dẫn Global Times của Trung Quốc "hả hê" khi nhiều nước theo đuổi cuộc sống bình thường mới đang đóng cửa biên giới với thế giới. Tờ báo này cũng chỉ trích Phương Tây tích trữ vaccine và khiến nhiều khu vực không có vaccine để sử dụng, và giờ đây họ phải trả giá cho sự ích kỷ của mình.
“Các nước phương Tây kiểm soát hầu hết nguồn lực cần thiết để chống lại đại dịch Covid-19”, bài báo nêu. “Nhưng họ đã thất bại trong việc kiềm chế sự lây lan của virus".
"Thiếu cách tiếp cận toàn cầu nhất quán và chặt chẽ dẫn đến phản ứng rời rạc, gây hiểu lầm, dẫn tới thông tin sai lệch và không đáng tin cậy", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định.
WHO đã triệu tập các nước tới phiên họp đặc biệt kéo dài ba ngày để thảo luận về hiệp ước đảm bảo chia sẻ nhanh chóng dữ liệu và công nghệ cũng như tiếp cận công bằng vaccine. Liên minh châu Âu (EU) muốn thúc đẩy hiệp định này trở nên ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Mỹ từ chối.
Chính đề xuất trên nhấn mạnh rằng sau 2 năm diễn ra một đại dịch tàn khốc cướp đi sinh mạng hàng triệu người, tàn phá nền kinh tế và hủy hoại tâm lý nhiều người khắp thế giới, các quốc gia vẫn chưa có kế hoạch toàn cầu để thoát khỏi cơn ác mộng này.
|
Các quốc gia châu Phi có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 thấp. Ảnh: WHO. |
Trong khi phương Tây có 66% dân số đã tiêm chủng, họ có thể bám vào lý thuyết ban đầu cho rằng Omicron gây triệu chứng nhẹ và nhạy cảm với vaccine, toàn bộ châu Phi chỉ có 6,66% dân số được chủng ngừa.
Một số quốc gia, như Nam Phi, có nguồn cung nhưng gặp khó khăn trong khâu hậu cần. Có nơi thiếu tủ đông lạnh, có chỗ lại không có đủ cơ sở hạ tầng và nhân viên y tế.
Tất cả lỗ hổng trên đã cho virus thời gian và môi trường để sinh sôi và biến đổi.
Lệnh cấm và hạn chế di chuyển nhằm câu giờ khi các nhà khoa học xác định liệu đột biến có cho phép biến chủng mới né những loại vaccine hiện có hay không. Nhưng họ cũng cần phải nhìn lại bài học cốt lõi từ giai đoạn đầu của đại dịch: Virus sẽ lây lan khắp mọi nơi, dù sớm hay muộn.
Hôm 29/11, Bồ Đào Nha ghi nhận 1 đội bóng gồm 13 thành viên nhiễm biến chủng Omicron, Scotland báo cáo 6 ca, trong khi đó số ca mắc ở Nam Phi tiếp tục tăng cao.
Biến chủng này đến nay đã lan ra nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Canada, Anh, Đức, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Áo, Italy, Israel, Hong Kong (Trung Quốc), Botswana…
Các chuyên gia cảnh báo biến chủng này sẽ len lỏi tới mọi ngóc ngách trên thế giới. Các cường quốc hàng đầu thế giới khẳng định họ hiểu điều này, nhưng hành động của họ vẫn mang màu sắc tác động từ địa chính trị.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo nước này sẽ cung cấp một tỷ liều vaccine Covid-19 cho châu Phi, cao hơn gần 200 triệu liều mà Bắc Kinh đã vận chuyển tới châu lục này.
Mỹ đã viện trợ vaccine miễn phí cho các quốc gia với số lượng nhiều hơn tất cả quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza phát biểu việc biến chủng Omicron xuất hiện ở miền Nam châu Phi chứng minh sự cấp thiết phải tiêm chủng cho dân số tại những nước nghèo.
"Chỉ tặng vaccine thôi là chưa đủ" vì ông cho rằng cần phải tìm cách quản lý vaccine tới những quốc gia này.
Theo Phương Linh/Zing