Kẻ từng lừa đảo Elizabeth Mirah hành xử không khác gì một sugar daddy bình thường.
Ban đầu, người này tiếp cận cô gái đến từ bang Massachusetts (Mỹ) qua mạng xã hội FetLife. Hắn tự nhận mình giàu có và đề nghị bao nuôi cô.
“Chúng tôi trao đổi nhiều lần và ông ấy có vẻ tử tế, không có gì đáng ngờ”, Elizabeth nói.
|
Nhiều cô gái trở thành nạn nhân của trò lừa đảo. |
Khi người này hỏi chi tiết về tài khoản ngân hàng của cô, Elizabeth trở nên nghi ngờ. Nhưng nghĩ tới chuyện sắp mất việc làm vì Covid-19, cô tự nhủ bản thân “chẳng còn gì để mất” và cung cấp thông tin theo yêu cầu của sugar daddy. Không lâu sau, hai tấm séc trị giá 1.500 USD bất ngờ xuất hiện trong tài khoản của Elizabeth.
Cô vô cùng cảm kích và trở nên tin tưởng vào gã lạ mặt. Vì vậy, khi nhà hảo tâm bí ẩn này bảo cô gửi 500 USD cho cháu trai của ông ta, cô gái không do dự chút nào và thực hiện yêu cầu này 2 lần.
Trong thâm tâm, Elizabeth chỉ thắc mắc vì sao người này không tự chuyển tiền mà cần cô làm trung gian. Tuy nhiên, cô gái cảm thấy bản thân mang nợ vì món quà nhận được trước đó.
Ba ngày sau, tấm séc được tặng trước đó bị trả lại. Khoản tiền 3.000 USD “không cánh mà bay” cùng với sugar daddy và 1.000 USD cô dành dụm được suốt thời gian qua.
Khi nhận ra mình bị lừa, cô gái liền nộp đơn khiếu nại để đòi lại tài sản.
Trò lừa gạt đơn giản nhưng hiệu quả
Dịch vụ “hẹn hò kẹo ngọt” (sugar dating) ngày càng trở nên phổ biến hơn trong bối cảnh nhiều bạn trẻ mất việc làm và các mối quan hệ tình cảm do đại dịch Covid-19.
Elizabeth chỉ là một trong số hàng trăm nạn nhân bị lừa đảo bởi những kẻ mạo danh “bố đường”. Chúng lợi dụng sự cô lập và thiếu thốn tài chính của mọi người ở thời điểm giãn cách xã hội để thực hiện chiêu trò.
Seeking Arrangements, website sugar dating lớn nhất thế giới với hơn 20 triệu thành viên, cho biết lượng đăng ký tài khoản mới tăng 74% chỉ trong 100 ngày kể từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, chỉ có 16% trong số đó là thật.
|
Trò lừa tình - lừa tiền này vốn tồn tại nhiều năm trên Internet. Ảnh: Shutterstock. |
Từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, những bài đăng trên Twitter có chứa từ “sugar daddy” hoặc “lừa đảo” tăng 51% so với 3 tháng trước đó. Theo báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, hơn 12.000 vụ lừa đảo tình cảm đã diễn ra trong nửa đầu năm 2020, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nhiều người cảm thấy xấu hổ và nhục nhã sau khi trở thành nạn nhân của trò lừa gạt này. Vì vậy, họ ngại nộp đơn kiện cáo, khiếu nại”, John Breyault, Phó chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng quốc gia Mỹ, cho biết. Ông tin rằng con số thực tế còn cao hơn nữa.
Những kinh nghiệm từng trải đã giúp Josh (22 tuổi) phát hiện lừa đảo trước khi quá muộn. Trước đây, anh từng nhắn tin trò chuyện với các sugar daddy thật và được bao nuôi trong suốt 5 tháng. Vì vậy, Josh nhanh chóng nhận ra những kẻ mạo danh tiếp cận anh trên các trang mạng xã hội.
Josh cho biết một số lời đề nghị anh trở thành sugar baby không giống với cuộc trò chuyện thường thấy trên trang Seeking Arrangements. Đặc biệt, những sugar daddy chính hiệu sẽ không bao giờ yêu cầu anh đưa tiền trước.
“Họ luôn là người đàn ông giàu có và có quyền lực. Vì vậy, nếu ai thắc mắc về độ trung thành của bạn hoặc những gì bạn có thể làm cho hắn ta, kẻ đó có thể đang lợi dụng bạn đó”, Josh chia sẻ.
Ngoài ra, chàng trai cho biết các tin nhắn giả mạo thường có chung công thức hoặc được soạn thảo tự động như robot. Có thể nhận thấy, những kẻ này chỉ đang “nâng cấp” chiêu trò “Hoàng tử Nigeria”, một mánh khóe lừa tiền được ưa chuộng trong thời gian qua.
Trở lại những năm 2010, một số gã gửi email tới “con mồi” và tự xưng là thành viên hoàng tộc Nigeria. Sau đó, chúng yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết tài khoản ngân hàng để chu cấp số tiền lớn. Vụ việc này đã nổi tiếng trên Internet từ lâu nhưng vẫn có không ít người trở thành nạn nhân.
|
Những kẻ lừa đảo này hoạt động độc lập, không có tổ chức mặc dù sử dụng mánh khóe như nhau. Ảnh: Shutterstock. |
Những sugar daddy giả mạo và các "hoàng tử Nigeria" đều sử dụng chung mô típ: đưa ra những lời có cánh và hứa hẹn về sự giàu sang để đổi lại một mối quan hệ thân tình trên mạng.
Sau khi nạn nhân “cắn câu”, kẻ lừa đảo yêu cầu họ “chứng minh độ trung thành” bằng cách gửi khoảng 2-100 USD vào tài khoản của chúng, hoặc mã thẻ quà tặng, đồng thời cả thông tin ngân hàng của những người nhẹ dạ cả tin.
Phương thức lừa đảo của những tên này nghe chừng đơn giản nhưng chúng che giấu danh tính thật rất tinh vi. Chúng lấy thông tin của những tài khoản trên mạng xã hội để tạo hồ sơ hẹn hò và chỉ sử dụng số điện thoại đăng ký tạm thời, vì vậy rất khó để lần ra những kẻ mạo danh.
Nhiều nạn nhân tin rằng những kẻ giả mạo nằm trong cùng một mạng lưới có tổ chức vì chúng có sự tương đồng giữa các bức ảnh, tin nhắn và chiến thuật tâm lý. Nhưng các chuyên gia như Breyault không đồng tình với ý kiến này.
“Thông thường, những trò lừa gạt cụ thể sẽ chỉ xuất phát từ một quốc gia nhất định. Do đó, các băng nhóm có tổ chức sẽ chỉ tập trung vào một kiểu lừa đảo. Đối với những sugar daddy mạo danh này, tôi chưa thấy đủ dữ liệu để kết luận chúng ở trong cùng một tổ chức”, ông cho biết.
Theo Hồng Chang/ Zing