Tháng 4/2007, mục sư Lee Jong-rak nhận được cuộc gọi tuyệt vọng lúc nửa đêm của một người phụ nữ. Qua điện thoại, người này liên tục nói xin lỗi vì đã bỏ lại đứa con trước nhà thờ nơi mục sư Lee phục vụ. Vị mục sư này ngay lập tức tìm ra bên ngoài và phát hiện một đứa trẻ với cơ thể lạnh lẽo bên trong chiếc hộp. Cô bé khi ấy đã tắt thở trong vòng tay của vị mục sư.
Cho đến năm 2009, tình trạng trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở thùng rác, phòng tắm hay tủ đựng đồ của ga tàu điện ngầm vẫn là điều khiến mục sư Lee phải suy nghĩ. "Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một bài báo, trong đó viết rằng Cộng hòa Séc có một chiếc hộp dành cho trẻ sơ sinh bị vứt bỏ", mục sư Lee nói.
|
Một chiếc "hộp trẻ em" ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Times |
Bài báo đó như đáp án cho vấn nạn trẻ sơ sinh bị bỏ rơi mà bấy lâu ông Lee vẫn luôn tìm kiếm. Mục sư Lee ngay lập tức áp dụng ý tưởng trên, sáng tạo ra chiếc "hộp trẻ em" cứu sống hàng nghìn sinh linh bé bỏng ở Hàn Quốc. Kể từ năm 2009, chiếc "hộp trẻ em" của mục sư Lee là nơi mà những bậc cha mẹ không có đủ khả năng nuôi con gửi chúng đến một nơi an toàn, thay vì những địa điểm trẻ nhỏ dễ gặp nguy hiểm do hạ thân nhiệt. "Tôi muốn giúp đỡ các em bé và bà mẹ nhiều nhất có thể", mục sư Lee nói.
|
Những trẻ sơ sinh sẽ được nuôi dưỡng tại đây trong một vài ngày trước khi được chuyển đến một trại trẻ mồ côi, đợi có gia đình nhận nuôi. Ảnh: Lozier Institute |
Mặc dù mang ý nghĩa nhân văn nhưng hệ thống "hộp trẻ em" sau đó lại gây tranh cãi. Theo đó, mạng lưới các tổ chức xã hội dân sự ở Hàn Quốc, bao gồm hơn 400 nhóm công dân, đệ trình một báo cáo lên Ủy ban Quyền trẻ em thuộc Liên hợp quốc, nhận định "hộp trẻ em" vi phạm công ước của Liên hợp quốc về quyền của trẻ em, đồng thời cho rằng hệ thống này đang khuyến khích việc bỏ rơi "nhưng đứa trẻ ngoài ý muốn".
Trước vấn đề này, chính phủ vô tình, hoặc cũng có thể là cố tình làm ngơ trước vấn đề này. Bởi nếu cho phép "hộp trẻ em" tiếp tục hoạt động sẽ vấp phải sự chỉ trích rằng họ đang khuyến khích việc bỏ rơi trẻ em. Trong khi đó nếu cấm "hộp trẻ em" thì, ở một đất nước mà việc mang thai ngoài giá thú bị coi là tội lỗi như Hàn Quốc, sẽ có nhiều đứa trẻ không được bảo vệ. Giữa tình thế tiến thoái lưỡng nan, chính phủ vẫn im lặng mà không có cuộc thảo luận hay giải pháp nào trong suốt một thập kỷ qua.
Nguyễn Nguyễn (Theo Korea Times)