Bí mật hòn đảo thử nghiệm khuẩn bệnh than của Liên Xô

Google News

Đảo Vozrozhdeniya bị teo gấp 10 lần so với kích thước ban đầu, kết nối với đất liền thông qua một bán đảo, trở thành một trong những nơi ám ảnh nhất hành tinh.

Nằm ở biên giới 2 quốc gia Kazakhstan-Uzbekistan và được bao bọc bởi hàng dặm các hoang mạc độc hại, là một hòn đảo. Đảo Vozrozhdeniya từng có thời kỳ là một ngôi làng chài sầm uất được bao bọc bởi một vùng biển có nước xanh màu ngọc lam ngay trong biển Aral (lớn thứ 4 của thế giới), và rất giàu tôm cá.
Nhưng ngày hôm nay, đây là nơi mà nhiệt độ thủy ngân trong cát luôn đạt mốc 60 độ C, dấu hiệu của sự sống là những bộ xương cây thực vật và những con lạc đà náu mình bên những con tàu bị mắc cạn. Đảo Vozrozhdeniya bị teo gấp 10 lần so với kích thước ban đầu, kết nối với đất liền thông qua một bán đảo, trở thành một trong những nơi ám ảnh nhất hành tinh.
Hòn đảo hoang chứa căn cứ bí mật
Ngay từ thập niên 1970, đảo Vozrozhdeniya đã là nơi xảy ra một số sự cố đáng ngờ. Năm 1971, một nhà khoa học trẻ đổ bệnh sau khi chiếc tàu nghiên cứu Lev Berg của bà bị mắc kẹt trong một đám bụi màu nâu.
Vài ngày sau đó, nhà khoa học trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa. Nhà khoa học đã tiêm chủng chống lại căn bệnh đó, mặc dù bà phục hồi, nhưng dịch đậu mùa đã ảnh hưởng tới 9 người khác và 3 người đã chết; một trong 3 nạn nhân tử vong lại là người em trai của nhà nữ khoa học.
Một năm sau, bộ xương của 2 ngư dân bị mất tích được tìm thấy gần đó, trôi dạt trên chiếc thuyền của họ. Có lời đồn rằng họ đã nhiễm bệnh đậu mùa. Không lâu sau đó, dân địa phương đánh cá và thấy toàn cá chết, không ai biết lý do tại sao? Rồi đến tháng 5/1988, 50.000 con linh dương Saiga bỗng lăn đùng ra chết chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Đảo Vozrozhdeniya bắt đầu bị bỏ hoang vào thập niên 1990, và chỉ có một số ít ỏi các chuyến thám hiểm đến đây.
Ông Nick Middleton, nhà báo kiêm nhà địa lý học của Đại học Oxford đã quay một bộ phim tài liệu về hoang đảo hồi năm 2005. Để có được bộ phim đó, Nick đã nhận được sự hỗ trợ của một chuyên gia quân sự người Anh tên là Dave Butler. Để đề phòng việc có thể bị nhiễm độc, Dave Butler đã cung cấp thuốc kháng sinh cho toàn bộ các thành viên trong đoàn làm phim, họ uống thuốc kháng sinh khoảng 1 tuần trước khi quay. Họ cũng đeo mặt nạ phòng độc với bộ lọc không khí công nghệ cao, đi ủng cao su dầy và mặc bộ đồ màu trắng dành cho pháp y ngay từ khi đặt chân lên hoang đảo Vozrozhdeniya.
Họ không hề hoang tưởng, các bức không ảnh do CIA chụp hồi năm 1962 cho thấy rằng trong khi các hòn đảo khác có bến cảng và lều câu cá, thì trên hoang đảo này có một bãi súng trường, các doanh trại quân đội và khu diễu binh, các tòa nhà nghiên cứu, bãi quây động vật và một điểm thử nghiệm lộ thiên. Hoang đảo đã biến thành một khu căn cứ quân sự: cơ sở thử nghiệm các vũ khí sinh học.
Bi mat hon dao thu nghiem khuan benh than cua Lien Xo
Đảo Gruinard từng là nơi thử nghiệm một chủng bệnh than chết người gọi là Vollum 14578. 
Aralsk-7
Dự án này thuộc hàng tuyệt mật, không được đánh dấu trên các bản đồ của Liên Xô, nhưng có một cái mã danh là Aralsk-7.
Trong suốt nhiều năm, đảo Vozrozhdeniya chìm trong đêm trường ác mộng, nơi có các loại khuẩn bệnh than, bệnh đậu mùa và dịch treo lơ lửng trong các đám mây bụi lớn ngay phía trên mặt đất, và những căn bệnh nhiệt đới chẳng hạn như bệnh nhiễm khuẩn cấp tính Tularemia, khuẩn bệnh Brucellosis và khuẩn gây sốt thương hàn rơi xuống đất cát nơi đây. Hoang đảo bị cô lập để tránh việc bị phát hiện ra cho mãi đến cuối thế kỷ 20, một nơi tuyệt hảo để tránh những con mắt cú vọ của tình báo phương Tây.
Và biển cả bao quanh cũng là một hào nước thiên nhiên rất tiện lợi. Chính vì những yếu tố này mà hoang đảo được lựa chọn làm nơi “an giấc ngàn thu” của kho khuẩn bệnh than lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Không chắc nguồn gốc của cái kho khuẩn than này, nhưng nó được sản xuất tại một nơi gọi là “Phức hợp 19”, một cơ sở nằm gần thành phố Sverdlovsk (ngày nay là Yekatarinburg, Nga).
Aralsk-7 là một phần trong chương trình vũ khí sinh học theo quy mô công nghệ với quy mô tuyển dụng đến hơn 50.000 người, làm việc ở 52 cơ sở sản xuất trên khắp Liên Xô. Khuẩn bệnh than được sản xuất trong những chiếc thùng lên men khổng lồ, được nuôi dưỡng như kiểu người ta dùng để sản xuất bia.
Khoảng năm 1988, tức là chỉ 9 năm sau khi xảy ra vụ rò rỉ khuẩn than tại “Phức hợp 19” làm chết ít nhất 105 người, Liên Xô cuối cùng đã đóng cửa nơi này. Những chiếc thùng khuẩn bệnh than khổng lồ được trộn lẫn với thuốc tẩy và chuyển đến thành phố cảng Aralsk nằm trên bờ biển Aral (ngày nay cách đất liền khoảng 25km), tập kết lên tàu và chuyển ra hoang đảo Vozrozhdeniya. Khoảng từ 100 đến 200 tấn bùn khuẩn bệnh than đã bị chôn xuống các hố rồi bị lãng quên.
Bạn đọc nên biết rằng các vi khuẩn bệnh than sống như một bào tử, không hoạt động nhưng có khả năng sinh tồn kỳ diệu. Chúng sống sót vô tư trong các bồn chứa chất khử trùng cho đến bị nướng nóng trong vòng 2 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Khi nằm trong lòng đất, các bào tử bệnh than có thể tồn tại trong vòng 200 năm. Gần đây, một bé trai 12 tuổi đã bị chết sau khi nhiễm phải khuẩn bệnh than ở phía Bắc nước Nga. Một đợt dịch bùng phát khuẩn bệnh than đã khiến 72 người thuộc bộ lạc du mục Nenets phải nhập viện bao gồm 41 trẻ em, và hàng ngàn con tuần lộc đã bỏ mạng.
Những nỗ lực của Liên Xô tại Vozrozhdeniya dường như không thấm vào đâu. Nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, trong làn sóng các vụ tấn công ở Tokyo và chương trình vũ khí sinh học mở rộng của Iraq đã khiến dư luận thế giới lo ngại rằng các tổ chức khủng bố hoặc các chính phủ bạo lực sẽ thò tay tới các tác nhân gây chết người.
Vì thế chính phủ Mỹ đã phái các toán chuyên gia để làm một số thử nghiệm. Vị trí chính xác nơi chôn giấu kho khuẩn bệnh than trên hoang đảo Vozrozhdeniya chưa bao giờ được tiết lộ. Các bào tử khuẩn bệnh than đã được tìm thấy trong vài mẫu đất, và Mỹ cam kết chi 6 triệu USD cho một dự án làm sạch hoang đảo.
Hiểm họa chết người
Công tác dọn dẹp sạch bao gồm việc đào một cái rãnh sâu gần các hố chôn, lót một lớp nhựa và cần tới hàng ngàn kg bột chất tẩy. Nhóm chuyên gia cho rằng họ phải bóc hàng tấn đất nhiễm độc đổ xuống rãnh (ở nhiệt độ 50 độ C), trong khi vẫn mặc đầy đủ đồ bảo hộ. Tổng cộng, 100 công nhân địa phương đã được thuê và mất tới 4 tháng dọn dẹp, dự án mới hoàn tất. Sau 6 ngày tiếp xúc với bột chất tẩy, bào tử bệnh than đã biến mất nhưng câu chuyện không dừng ở đó.
Sau nửa thế kỷ là một bãi thử nghiệm lộ thiên, toàn bộ đảo Vozrozhdeniya trở thành đảo độc. Tham gia vào công tác dọn sạch hoang đảo có ông Les Baillie, một chuyên gia quốc tế về bệnh than của Đại học Cardiff (Anh), đã dành hơn 1 thập niên làm việc tại cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học Porton Down của Anh. Ông Baillie cảnh báo: “Ngay cả khi quý vị chôn xác động vật dù xuống hàng mét đất nhưng nếu có lụt lội thì các bào tử khuẩn bệnh than vẫn trôi ra và giun đất sẽ tiếp xúc với độc chất ngay”.
Xa khỏi đảo Vozrozhdeniya còn có một câu chuyện tương tự: Đảo Gruinard, một đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi duyên hải cao nguyên Scotland. Từ năm 1942 đến năm 1943, tức chỉ trong vòng 1 năm, đây là trung tâm của chương trình phát triển vũ khí sinh học của Anh. Người Anh đã thử nghiệm khuẩn bệnh than trên những con cừu khi chúng đi kiếm ăn trên đồng cỏ hay trong các cánh rừng. Chỉ 3 ngày sau khi tiếp xúc với khuẩn độc, lũ cừu đã lăn đùng ra chết. Các nhà khoa học đã đốt các xác chết và phun bột tẩy lên vách đá bị nhiễm độc.
Những nỗ lực ban đầu để dọn sạch đảo Gruinard đã không thành công và cuối cùng nó bị bỏ hoang. Xét nghiệm các mẫu đất bị nhiễm khuẩn bệnh than từ năm 1979 đã hé lộ ra rằng suốt gần 4 thập niên sau đó, vẫn có từ 3.000 đến 45.000 bào tử bệnh than/gram đất.
Thay vì theo dự định là sẽ bóc đi toàn bộ lớp đất bề mặt bị nhiễm độc và chôn nó trong vùng biển Bắc Đại Tây Dương thì phút cuối các nhà khoa học đã phun khắp hòn đảo Gruinard rộng 1,96 km2 bằng 280 m3 dung dịch Formaldehyde pha với nước biển. Năm 1990 được tuyên bố là năm đảo Gruinard được an toàn và ngày hôm nay, du khách có thể đi thuyền đến đảo thăm thú…
Theo Thanh Hải – Hải Nguyễn/Báo Pháp Luật