Bóng đen của Helsinki vẫn còn đó. Những hoài nghi về việc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 và trong tương lai vẫn còn đó. Và các điểm nóng từ Iran đến Venezuela dường như vẫn chực chờ thời điểm bùng phát.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tuần này bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản, có thể chương mới sẽ mở ra trong mối quan hệ đầy dấu hỏi và mâu thuẫn đã khiến ông Trump hứng chịu chỉ trích từ ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng.
Bí ẩn vẫn bao trùm cuộc gặp Helsinki
Mâu thuẫn nằm ở chỗ: ngay cả khi ông Trump luôn đề cao quan hệ cá nhân với ông Putin, chính phủ của ông lại tăng cường cấm vận Moscow.
Chương trình thảo luận vẫn được giữ kín. Thậm chí kết quả thảo luận giữa họ từ một năm trước ở Phần Lan vẫn chưa được tiết lộ.
“Cả thế giới chú ý đến Helsinki, nơi Tổng thống Trump bênh vực ông Putin, gạt đi giới tình báo của chính mình, và đến tận lúc này, chúng ta vẫn không biết họ bàn riêng với nhau những gì”, Michael McFaul, đại sứ Mỹ ở Nga dưới thời Obama, nói với hãng tin AP.
“Và bây giờ, tôi nghi rằng họ sẽ cùng vui mừng vì cuộc điều tra Mueller đã kết thúc. Họ sẽ cùng nhau khẳng định lại là không có gì để điều tra, rằng họ đã đúng”.
Hội nghị thượng đỉnh G20 của nhóm 20 nền kinh tế lớn tại Osaka sẽ là lần đầu tiên họ gặp nhau kể từ khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller kết thúc điều tra và không kết luận chiến dịch ông Trump cấu kết với Nga năm 2016 - nghi vấn đã bao phủ Nhà Trắng ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Ông Putin đã phủ nhận Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ để giúp Trump đắc cử, mặc dù ông Mueller tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Những bằng chứng đó bao gồm chiến dịch đột nhập email của đảng Dân chủ do tình báo quân đội Nga thực hiện, và chiến dịch phát tán các giọng điệu chia rẽ, gây bất ổn chính trị Mỹ, sử dụng mạng lưới các tài khoản mạng xã hội giả.
Căng thẳng hiện tại Mỹ - Iran sẽ là một chủ đề bàn luận. Ông Trump tuần trước đã suýt nữa tấn công trả đũa việc Iran bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, vài giờ sau khi ông Putin nói dùng vũ lực tại đây sẽ châm ngòi cho “một thảm họa”.
Iran không phải là nơi duy nhất mà ông Putin và ông Trump đang ở thế đối đầu. Ông Putin đã ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Tổng thống Syria Bashar Assad, chống lưng cho các chính thể này đứng vững bất chấp sức ép từ Mỹ. Việc ông Putin xích lại với Trung Quốc cũng đang khiến nhiều người ở Washington lo lắng.
Mời quý vị xem video: Tổng thống Mỹ đề cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mới. Nguồn video: VTC1
Những mâu thuẫn dai dẳng
Mài năm gần đây, ông Trump đã bị nghi ngờ vì luôn khen ngợi tổng thống Nga. Ông Putin cũng một mực tránh chỉ trích Tổng thống Trump, và nói quan hệ Nga - Mỹ xấu đi vì những đấu đá nội bộ Mỹ và sự thao túng của thế lực ngầm.
“Thậm chí nếu tổng thống (Mỹ) muốn tiến triển quan hệ, muốn thảo luận điều gì, có rất nhiều bên khác trong chính phủ chống lại điều đó”, ông Putin trả lời phỏng vấn một đài phát thanh tuần trước, và nói thêm việc tuyên bố tái tranh cử sẽ khiến ông Trump càng bị giới hạn.
“Đối thoại luôn tốt và cần thiết. Nếu Mỹ muốn vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại tương xứng với đối tác của mình”.
Hai lãnh đạo tuyên bố rút khỏi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, mang tên Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung năm 1987. Hiệp ước này sẽ hết hạn vào mùa hè, gây lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang mới. Một hiệp định hạt nhân quan trọng khác, mang tên New Start, sẽ hết hạn năm 2021 trừ khi Moscow và Washington đàm phán gia hạn.
“Quan hệ giữa hai quốc gia đang xấu, dù nhìn dưới góc độ nào, và các chính sách đối với Nga (của Mỹ) khá cứng rắn mặc dù giọng điệu của tổng thống (Mỹ) lại không như vậy”, Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nói với AP. “Sẽ khó có thành tựu nào tại cuộc gặp này”.
Ngoài mâu thuẫn về kiểm soát vũ khí, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và hậu thuẫn các lực lượng li khai ở miền đông Ukraine cũng đè nặng lên quan hệ Nga - Mỹ. Tháng 11/2018, ông Trump đột ngột hủy bỏ một vòng đối thoại với ông Putin bên lề thượng đỉnh G20 ở Argentina, do Nga bắt giữ các tàu hải quân Ukraine cùng các thuyền viên.
Mục tiêu của hai bên trong ván cờ bí mật
Với ông Putin, mục tiêu quan trọng nhất là khiến ông Trump nới lỏng các lệnh trừng phạt mà Quốc hội Mỹ đã siết chặt.
Tuần trước, ông thừa nhận lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã khiến Nga thiệt hại khoảng 50 tỷ USD kể từ 2014. Sức ép đó đã làm suy yếu vị thế của ông Putin trong các quan hệ quốc tế.
Đối với ông Trump, “rất khó để biết mục tiêu của Nhà Trắng là gì vì đây không phải một chính quyền bình thường”, theo Kimberly Marten, trưởng khoa chính trị ở ĐH Barnard, New York, Mỹ.
“Nếu rõ ràng, thì chúng ta có thể dự đoán, chẳng hạn về tiến triển của hiệp ước New Start và kiểm soát vũ khí, hay giảm thiểu xung đột ở các khu vực như Iran, Triều Tiên, Venezuela và Ukraine. Nhưng tôi không biết mục đích gặp gỡ là gì”.
Trong quá khứ, lần nào ông Trump gặp ông Putin cũng đều khiến người ta đặt nhiều dấu hỏi.
Lần đầu tiên ở Đức năm 2017, ông Trump đã tịch thu các ghi chép của phiên dịch viên và ra lệnh cho người này không tiết lộ những gì nghe được. Ông Trump sau đó ngồi cạnh ông Putin ở bữa tối mà không có người Mỹ nào bên cạnh. Mùa thu năm đó, tại hội nghị APEC ở Đà Nẵng, tổng thống Mỹ nói ông tin lời ông Putin phủ nhận cáo buộc can thiệp bầu cử 2016.
Tháng 7/2018, ông Trump và ông Putin gặp riêng hơn hai giờ ở Helsinki, chỉ có mặt thêm người phiên dịch. Một số quan chức tình báo Mỹ chưa bao giờ được phổ biến lại về cuộc gặp. Ngày 24/6, chủ tịch Ủy ban Giám sát và Cải cách Chính phủ Hạ viện Elijah Cummings (đảng Dân chủ, bang Maryland), nói Nhà Trắng không hồi âm một bức thư tháng hai yêu cầu giải thích hồ sơ cuộc gặp đó giờ đang ở đâu.
Tại họp báo sau thượng đỉnh Helsinki, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Trump từ chối lên án sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Ông cũng từ chối tin lời các cơ quan tình báo của mình.
Tuần trước, khi được hỏi trên đài NBC liệu ông có cảnh cáo ông Putin không can thiệp kỳ bầu cử 2020 hay không, ông Trump chỉ nói “có thể”. Ông không hứa sẽ bảo vệ kỳ bầu cử sắp tới.
“Cuộc gặp này, cũng giống các cuộc gặp trước, sẽ đầy sự khó hiểu”, ông McFaul nói với AP.
Theo Trọng Thuấn/ Zing