Ông Patrick McDermott, người yêu cũ của nữ diễn viên nổi tiếng Olivia Newton-John, từng giả chết năm 2005 và lặng lẽ sống ở Mexico hơn một thập kỷ qua.
Câu chuyện của Patrick chứa đầy bí ẩn và là một âm mưu
Patrick từng có 9 năm hẹn hò với nữ diễn viên nổi tiếng Olivia trước khi ông mất tích trong một chuyến đi câu cá ở San Pedro, California, Mỹ ngày 30/6/2005.
Ông được trông thấy lần cuối trên chiếc thuyền đi câu mang tên Freedom, nhưng 22 hành khách trên thuyền không ai thấy ông rơi xuống biển.
Ví và giấy tờ tuỳ thân của ông được tìm thấy trên tàu nhưng người ta không tìm được thi thể của nạn nhân.
|
Cái chết giả vờ như Patrick không phải duy nhất ở Mỹ. |
Trong quá trình điều tra, nhà chức trách phát hiện ông đang nợ tiền hỗ trợ nuôi con 8.000 đô la (khoảng 170 triệu đồng) và nợ ngân hàng 31.000 đô la (khoảng 700 triệu đồng) sau khi bị phá sản.
Từ đó người ta đồn rằng Patrick tìm đến cái chết để kiếm tiền bảo hiểm lên tới 100.000 đô la (khoảng 2,3 tỷ đồng).
Các nhà điều tra cũng phát hiện ra rằng, Patrick là người gốc Hàn Quốc, có tên khai sinh là Patrick Kim, ông có hộ chiếu thứ hai mang tên này. Kết quả điều tra phát hiện ông Patrick đã rút tiền tiết kiệm từ hai tài khoản ngân hàng trước khi biến mất.
Nữ diễn viên Olivia, lúc đó đang là người yêu của Patrick, không hề hay biết về kế hoạch mất tích của ông. Bà đã báo cảnh sát về vụ mất tích, thậm chí đã tiến hành tìm kiếm cật lực trong vài tuần ở bờ biển California nhưng không có manh mối.
Không một ai trên tàu nhìn thấy ông rơi xuống biển nên cũng khó kết luận ông tự tử hay trượt chân rơi xuống biển.
|
Patrick và Olivia năm 2001 khi họ vẫn đang hẹn hò. |
Một nhà điều tra độc lập mang tên Philip Klein sau đó đã tự điều tra về vụ mất tích bí ẩn của Patrick. Kết quả điều tra được ông tiết lộ năm 2009. Philip cho biết, Patrick vẫn còn sống nhưng muốn được ở một mình.
“Patrick đã đề nghị tôi đề cập đến anh như một người vô tội. Anh ấy không phạm tội, chỉ đơn giản là anh ấy muốn không ai để mắt tới mình. Mọi người hãy để anh được sống yên bình và tự tại ở chốn của riêng mình.
Anh ấy vẫn an toàn và bắt đầu một cuộc sống ở mảnh đất mới. Hãy ngừng việc tìm kiếm anh ấy lại”, Philip viết trong báo cáo điều tra của mình.
Hiện tượng giả chết ở Mỹ
Câu chuyện giả chết của Patrick không phải duy nhất ở Mỹ. Cho đến nay nhà chức trách vẫn chưa tìm được cách xử lý cũng như điều tra triệt để về các vụ án mất tích kỳ lạ như vậy.
Steve Rambam là một nhà điều tra dành thời gian để “săn” những người mất tích một cách bí ẩn, thường được nhân thân hoặc các công ty bảo hiểm thuê điều tra về các vụ mất tích này. Anh cho biết, chỉ nên tin người ấy chết thực sự khi tìm thấy xác.
Steve phát hiện rằng, Canada là lựa chọn tốt để sống ẩn.
Giả vờ chết không phải là hành động phạm pháp nhưng nó liên quan đến một số vấn đề không trung thực.
Steve nói: “Bạn sẽ phải nói dối cảnh sát và nộp báo cáo giả để có giấy chứng tử”.
Vấn đề ở chỗ nếu không có giấy chứng tử, công ty bảo hiểm sẽ chờ tới 7 năm mới cấp tiền bảo hiểm cho người thừa kế và để có giấy chứng tử thì yêu cầu phải có thi thể.
Một số người vì thế mà tìm một cái xác vô chủ để thay thế. “Bạn có thể đến bất cứ nhà xác nào ở các nước đang phát triển, tìm đến những thi thể vô chủ than khóc và những người quản lý ở đó sẽ trao thi thể đó cho bạn”, Steve nói.
Vậy để giả vờ chết thành công, phí dịch vụ là bao nhiêu? Phillippines được cho là “đất lành” cho những cuộc giả vờ chết bởi họ có dịch vụ ngầm cung cấp xác chết, giấy chứng tử và các giấy tờ liên quan.
“Cái giá mà tôi tìm hiểu được cho dịch vụ giả vờ chết ở Phillippines, bao gồm cả tìm xác thay thế, giấy chứng tử và mọi thứ là 5.000 đô la (khoảng hơn 100 triệu đồng)”, Greenwood, một phụ nữ từng giả vờ chết năm 2013 cho biết.
Bà Greenwood đã chọn Manila để thực hiện vụ giả chết của mình vì tìm thấy dịch vụ hỗ trợ ngầm rất tốt.
Theo Kim Minh/Vietnamnet