Bầu cử Tổng thống Nga: Ông Putin nắm chắc phần thắng?

Google News

Đội vận động tranh cử của Tổng thống Nga Putin đã thu thập được hơn 1 triệu chữ ký ủng hộ và con số này chắc chắn sẽ còn tăng cao.

Nếu chiến thắng trong cuộc Bầu cử tổng thống Nga 2018 này, ông Putin sẽ tiếp tục có thêm sáu năm nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Nga, đặc biệt khi các đảng ủng hộ nhà lãnh đạo 65 tuổi đang chiếm ưu thế đa số tại quốc hội Nga.
Mức ủng hộ khổng lồ cho ông Putin
Theo thăm dò của Trung tâm Khảo sát ý kiến công chúng Nga công bố ngày 16-1, nếu tỉ lệ ủng hộ cho các ứng cử viên không thay đổi cho đến ngày bầu cử chính thức, Tổng thống Putin sẽ nhận được tới 81,1% phiếu bầu và giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Ứng viên đảng Cộng sản Pavel Grudinin sẽ nhận được 7,6% số phiếu. Ứng viên đảng Tự do Dân chủ Vladimir Zhirinovsky sẽ nhận được 4,2% số phiếu. Các ứng viên các đảng còn lại nhận được chưa tới 1% số phiếu. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức thêm vòng 2 nếu không có ứng viên nào đạt quá bán số phiếu bầu. Về tỉ lệ người đi bầu, 67% người được hỏi cho biết sẽ đi bỏ phiếu. 13% nói chưa quyết định có đi bỏ hay không. Trong khi đó chỉ có 3% người được khảo sát nói sẽ không đi bỏ phiếu.
Những con số trên phần nào thể hiện mức độ ủng hộ rất lớn mà Tổng thống Putin đang nhận được trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc ngày 18-3 sắp tới. Mới đây theo hãng tin Itar Tass, đội vận động tranh cử của ông Putin đã tập hợp được hơn 1 triệu chữ ký của người dân ủng hộ ông tiếp tục làm công việc mà ông giỏi nhất - lãnh đạo nước Nga và bảo vệ những lợi ích lớn nhất của đất nước, như những gì mà ông luôn làm suốt gần hai thập niên qua.
“Tính đến ngày 16-1, đã có 1.001.459 chữ ký ủng hộ quyết định tranh cử cử ông Vladimir Putin đã được thu thập” - đội vận động tranh cử của ông Putin trả lời hãng tin Itar Tass. Con số này bỏ xa số lượng chữ ký tối thiểu mà một ứng cử viên độc lập cần tập hợp để chính thức tham gia tranh cử là 300.000 chữ ký, theo Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC). Số chữ ký ủng hộ ông nhà lãnh đạo Nga chắc chắn còn tăng cao bởi vì đội ngũ tranh cử đã quyết định sẽ tiếp tục thu thập thêm. “Quá trình thu thập chữ ký sẽ tiếp diễn. Chúng tôi muốn tạo cơ hội cho người dân Nga bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với tổng thống” - Andrei Kondrashov, phát ngôn viên đội tranh cử của ông Putin, trả lời hãng Itar Tass.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được mức tín nhiệm cao kỷ lục trong năm 2017. Ảnh: REUTERS 
Tiến gần đến chiến thắng áp đảo?
Mọi kết quả khảo sát thời gian qua được đăng tải bởi truyền thông nhà nước Nga, như hãng thông tấn Itar Tass hay đài truyền hình RT, đều cho thấy khả năng cao Tổng thống Putin sẽ tái đắc cử với kết quả áp đảo. Thế nhưng đảng Cộng sản Nga và đảng Tự do Dân chủ Nga đều đã lên tiếng phản đối kết quả thăm dò này, khẳng định họ tin tưởng vào kết quả thăm dò do chính mình thực hiện hơn. Một thăm dò qua điện thoại của đảng Dân chủ vừa qua cho thấy có đến 10% cử tri khẳng định sẽ bỏ phiếu cho ông Grudinin, người mới tranh cử lần đầu trong năm nay. Trong khi đó đảng Tự do Dân chủ nói thăm dò của mình cho thấy ứng viên Zhirinovsky không chỉ có cơ hội vào vòng 2 mà có cả cơ hội chiến thắng. Ông Zhirinovsky đã năm lần tham gia tranh cử nhưng chưa lần nào đạt quá 10% số phiếu.
Dẫu vậy, Tổng thống Putin thật sự không phải lo ngại quá nhiều về những ứng viên đối thủ trong đợt bầu cử Tổng thống Nga năm nay, đặc biệt với mức độ tín nhiệm mà ông đang có. Mức độ tín nhiệm mà người dân Nga dành cho ông Putin trong năm 2017 cũng đạt mức cao kỷ lục là 57,7%. Mức độ ủng hộ hiệu quả lãnh đạo của ông Putin cũng được duy trì ở con số 83,6%. Bất chấp tác động từ các động thái trừng phạt ngoại giao và kinh tế nhắm vào Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, cũng như chiến dịch quân sự tốn kém của Nga tại Syria, nền kinh tế Nga trong năm 2017 vẫn có các dấu hiệu khởi sắc khi thâm hụt ngân sách được duy trì ở con số 1,5% và lạm phát chỉ 2,5%, mức thấp kỷ lục trong lịch sử nước Nga hiện đại. Những sự khởi sắc này mang lại tâm lý lạc quan cho người dân Nga, Tổng thống Putin khẳng định vào đầu năm 2018.
Không những vậy, ông Putin mặc dù tranh cử độc lập nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của đảng Nước Nga Thống nhất. Tại đại hội toàn quốc của đảng này vào tháng 12 vừa qua. Lãnh đạo đương nhiệm của đảng, đồng thời cũng là đương kim Thủ tướng Nga, ông Dmitry Medvedev đã tuyên bố dành “toàn bộ sự ủng hộ cần thiết” cho ông Putin trong cuộc bầu cử lần này để giành được một chiến thắng áp đảo.
 Nhà hoạt động xã hội đối lập Alexei Navalny sau khi không thể tranh cử đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 3. Ảnh: BLOOMBERG

 Tổng thống Putin trong một cuộc tiếp xúc cử tri Nga. Ảnh: REUTERS
Thách thức lớn nhất là cử tri
Mặc dù nắm trong tay những lợi thế rất lớn trong cuộc bầu cử năm nay, Tổng thống Putin vẫn phải đối diện với một nỗi lo lớn đó là số lượng cử tri đi bầu, theo phân tích của hãng tin Bloomberg. Hồi tháng 9-2016, có chưa đến 48% người dân Nga đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử quốc hội Nga. Đây là một kết quả thấp kỷ lục trong các kỳ bầu cử quốc hội tại nước này. Nếu như điều tương tự tái diễn trong ngày bầu cử 18-3 sắp tới, Tổng thống Putin dẫu có được tái đắc cử thì chiến thắng cũng sẽ kém phần ngọt ngào rất nhiều.
Có những chỉ dấu cho thấy tỉ lệ người đi bầu năm nay có thể thấp chưa từng thấy, Trung tâm khảo sát xã hội độc lập Levada tháng 12-2017 đã dự đoán chỉ có 52%-54% cử tri đi bầu trong tháng 3 tới. Quỹ chính trị St.Peterburg hồi đầu tháng 1-2018 cũng đưa ra con số ước đoán là 52% cử tri đi bầu, với hai TP Moscow và St. Peterburg sẽ thấp hơn 40%. Trong khi đó, trong đợt bầu cử năm 2004, dù Tổng thống Putin không có một đối thủ nào nặng ký thì số người đi bầu còn đạt được đến 64,3%.
Không dừng ở đó, nhà hoạt động xã hội đối lập tại Nga Alexei Navalny thậm chí còn phát động một chiến dịch kêu gọi người dân Nga tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống sắp đến. Navalny quyết định phát động chiến dịch này sau khi bị CEC thống nhất không cho phép tranh cử vì vẫn còn chịu án tù treo.
Bầu cử Nga diễn ra thế nào?
Cuộc bầu cử tổng thống Nga năm 2018 sẽ diễn ra qua hai vòng và theo hình thức phiếu bầu trực tiếp. Vòng 1 sẽ được tổ chức vào ngày 18-3. Nếu ở vòng đầu tiên này không có ứng cử viên nào chiếm đa số tuyệt đối (hơn 50% phiếu bầu), thì theo luật pháp, vòng thứ hai sẽ diễn ra ba tuần sau đó, tức là ngày 8-4, giữa hai ứng viên có số phiếu bầu lớn nhất.
Điều 81 của Hiến pháp Liên bang Nga quy định ứng cử viên tranh cử tổng thống phải ít nhất 35 tuổi và thường trú ở Nga trong 10 năm qua. Tổng thống Nga có nhiệm kỳ sáu năm và không thể đương nhiệm hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp. Những đảng có đại diện trong Hạ viện Nga có thể đề cử một ứng viên tranh cử tổng thống, trong khi ứng viên của đảng không có ghế trong Hạ viện phải thu thập được ít nhất 115.000 chữ ký thì mới được quyền tranh cử. Các ứng cử viên độc lập giống như ông Putin năm nay thì phải có 315.000 chữ ký ủng hộ, với mỗi bang không quá 7.500 chữ ký và phải thành lập một nhóm hỗ trợ 500 người mới được mở chiến dịch tranh cử.
Cuộc bầu cử Quốc hội Nga diễn ra độc lập với bầu cử tổng thống Nga. Quốc hội Nga gồm có hai viện: Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện). Nghị sĩ của Duma không thể đồng thời là nghị sĩ của Hội đồng Liên bang. Hội đồng Liên bang Nga có tổng số 170 ghế và không được bầu trực tiếp. Mỗi chủ thể liên bang trong số 85 bang của Nga sẽ cử hai đại diện, bao gồm một đại diện của cơ quan lập pháp và một đại diện của cơ quan hành pháp.
Trong khi đó, 450 ghế trong Duma Quốc gia Nga sẽ được phân chia về cho các đảng giành được ít nhất 7% số phiếu bầu ủng hộ trong cuộc bầu cử trực tiếp của quốc gia. Như vậy, số ghế phân bổ về các chính đảng được tính dựa theo tỉ lệ phiếu ủng hộ của cử tri. Duma Nga đã có tất cả bảy cuộc bầu cử vào các năm 1993, 1995, 1999, 2003, 2007, 2011 và 2016.
Theo Trung Nhân/Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh