Nếu được chuyển thể thành một series phim truyền hình, cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan ngày 24/3 có thể là sự kết hợp của hai series đình đám Game of Thrones (Trò chơi vương quyền) và House of Cards (Sóng gió chính trường), đủ hấp dẫn và kịch tính để làm những người quan sát mê mẩn và ngóng đợi kết cục.
Dàn "diễn viên chính" có thể điểm qua gồm một tướng lĩnh quân đội nóng tính, một chính trị gia bảo thủ hưởng nền Anh học tại Oxford danh giá, một triệu phú trẻ tuổi điển trai và một phụ nữ dễ mến có quan hệ với tất cả phe phái chính trị cánh hữu.
Các chính sách, vốn là nền tảng để từ đó người dân lựa chọn nhà lãnh đạo của mình, nay bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho các yếu tố chính trị. Vì thế, cuộc bầu cử lần này được coi là cuộc kiểm tra mà ở đó người dân Thái Lan phải lựa chọn để quyết định hình mẫu đất nước nào họ muốn cho tương lai.
Cơ hội nào cho chính quyền quân sự?
Thái Lan đã trải qua 5 năm dưới sự cai trị của chính quyền do phe quân đội điều khiển, dưới sự lãnh đạo của tướng Prayut Chan-o-cha. Ông Prayut tự phong mình là thủ tướng, và gọi cuộc đảo chính năm 2014, lật đổ chính quyền dân sự của bà Yingluck Shinawatra, là một "cuộc đảo chính lịch sự".
Nhiều nhà quan sát chính trường Thái Lan có thâm niên cho rằng công việc thực sự của ông Prayut 5 năm qua là giám sát tiến trình chuyển giao quyền lực của hoàng gia, từ cố quốc vương Bhumibol Adulyadej sang con trai, đương kim quốc vương Maha Vajiralongkorn.
Ông Prayut được đánh giá là một chính trị gia thất thường và nóng tính, với những diễn biến tâm lý không thể lường trước, từ vui vẻ tự mãn tới giận giữ thịnh nộ, trong các cuộc họp báo.
|
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chụp ảnh thời trang nhằm cải thiện hình ảnh trong mắt công chúng. Ảnh: ABC. |
Trước cuộc bầu cử, người đứng đầu chính phủ Thái Lan đã tìm cách làm hình tượng của mình trước công chúng mềm mại và thân thiện hơn, bằng cách hát một vài bài tình ca, và có buổi chụp hình với những bộ quần áo thời trang. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định nỗ lực cải thiện hình ảnh của tướng Prayut đã thất bại thảm hại.
Ông Prayut và phe quân đội không được đánh giá cao về ảnh hưởng trong khối cử tri đại chúng. Tuy nhiên, cơ hội có thể đến nếu quân đội chi phối được một chính phủ liên minh, thành lập bởi đảng bảo thủ do quân đội ủy nhiệm và các đảng nhỏ hơn.
Đảng quyền lực nhân dân (PPP) là lực lượng ủng hộ của phe quân đội, được kỳ vọng sẽ có ghế trong chính phủ nếu phe quân đội chiến thắng. Một số đảng bảo thủ khác cũng đứng về phe quân đội gồm đảng Ruam Palang Prachachart Thai và đảng Nhân dân cải tổ.
Pheu Thai và phe chống chính quyền quân sự
Trong suốt 20 năm qua, phe "áo đỏ", sản phẩm của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, là lực lượng đã thống trị nền chính trị tại Thái Lan. Cơ sở của phe "ao đỏ" nằm ở vùng nông thôn phía Bắc và Đông Bắc, nơi những chính sách dân túy như khám bệnh tại gia giá 1,5 USD hay chính phủ mua gạo với giá cao nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nông dân và người nghèo.
Các đảng được phe "áo đỏ" của ông Thaksin ủng hộ từng nhiều lần chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2001, 2005 và 2007, nhưng lần lượt bị lật đổ sau các cuộc đảo chính và khủng hoảng chính trị.
Hiện nay, nền chính trị Thái Lan phức tạp hơn nhiều so với thời kỳ phe "áo đỏ" và phe "áo vàng", những người ủng hộ quân đội, thay nhau chiếm cứ làm tê liệt thủ đô Bangkok trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Tuy nhiên, phe "áo đỏ" của ông Thaksin vẫn là lực lượng chính chống lại phe quân đội của Thủ tướng Prayut.
|
Phe "áo đỏ" ủng hộ đảng Pheu Thai trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc bầu cử lần này, phe "áo đỏ" dành sự ủng hộ cho đảng Pheu Thai do nữ chính trị gia Sudarat Keyuraphan lãnh đạo. Dù không phải là mẫu chính trị gia tạo ra khí thế hừng hực cho cử tri, bà Sudarat được đánh giá là có lợi thế nhờ được lòng công chúng và có quan hệ tốt với lãnh đạo các phe phái trong và ngoài đảng Pheu Thai.
Liên minh do đảng Pheu Thai lãnh đạo từng được đánh giá là có nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua, cho đến khi biến cố chính trị xảy ra tháng trước liên quan tới công chúa Ubolratana Mahidol.
Ban đầu, do lo ngại bị Ủy ban Bầu cử Quốc gia, do phe quân đội lựa chọn, tước quyền tham gia tranh cử, lãnh đạo đảng Pheu Thai quyết định lập ra đảng Thai Raksa Chart và san sẻ ứng viên sang đảng mới này. Tuy nhiên, đảng Thai Raksa Chart bất ngờ gây chấn động dư luận Thái Lan hồi tháng trước khi đề cử công chúa Ubolratana cho chức thủ tướng.
Hành động của đảng này bị Quốc vương Vajiralongkorn tuyên bố là không thích hợp, trong khi tòa án Thái Lan tuyên bố Thai Raksa Chart vi phạm luật quy định các thành viên hoàng gia đứng ngoài chính trị. Hậu quả là đảng Thai Raksa Chart bị rút giấy phép hoạt động, và 121 ứng viên đảng này bị cấm tham gia tranh cử.
Với chỉ 250 ứng viên đủ điều kiện tranh cử còn lại, đảng Pheu Thai không còn khả năng chiếm quyền kiểm soát tại hạ viện 500 ghế của Thái Lan.
Ngoài ra, một số đảng nhỏ hơn tuyên bố chống phe quân đội gồm Pheu Chart và Seri Ruam Thai. Trong đó, lãnh đạo Seri Ruam Thai là một cựu sĩ quan cảnh sát tên Seripisut Temiyavet. Ông này từng tuyên bố "sẽ bắn vào đầu Prayut" nếu có mặt tại Bangkok trong ngày đảo chính năm 2014.
Phe bảo hoàng của cựu thủ tướng Abhisit
Với việc một đảng giành hơn 250 ghế tại hạ viện sau cuộc bầu cử lần này là phi thực tế, nhiều khả năng một chính phủ liên minh sẽ được thành lập, mà trong đó đảng Dân chủ sẽ là một lực lượng không thể thiếu.
Trong các cuộc bầu cử gần đây, đảng Dân chủ thường giành 20-33% số phiếu cử tri, với sự ủng hộ rộng rãi ở khu vực miền Trung và miền Nam, đặc biệt tại thủ đô Bangkok.
|
Cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva là lãnh đạo đảng Dân chủ. Ảnh: AP. |
Đảng Dân chủ được lãnh đạo bởi Abhisit Vejjajiva, một trí thức tốt nghiệp Đại học Oxford, từng nắm giữ ghế thủ tướng Thái Lan từ năm 2008 đến năm 2011. Bất chấp tên gọi, đảng Dân chủ là lực lượng bảo thủ, được cho là có quan hệ gần gũi với giới tinh hoa trong quân đội - hoàng gia, và nhận được ủng hộ của phe "áo vàng".
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Dân chủ được coi là phe trung dung giữa phe quân đội của Thủ tướng Prayut và phe "áo đỏ" của đảng Pheu Thai. Tuy nhiên, tên tuổi của ông Abhisit lại bị hoen ố bởi cuộc trấn áp đẫm máu nhắm vào người biểu tình "áo đỏ" năm 2010 do quân đội tiến hành khiến hơn 100 người chết.
"Ngựa ô" của mùa bầu cử
Đảng Tương lai phía trước (Future Forward) không được các chuyên gia đánh giá cao bởi thiếu sự ủng hộ của các phe phái chính trị cũng như không được các tài phiệt hậu thuẫn. Tuy nhiên, đảng này đang nổi lên nhờ sự ủng hộ của giới trẻ.
Chủ tịch đảng là Thanathorn Juangroongruangkit, chính trị gia 40 tuổi xuất thân từ một gia tộc giàu có nhờ kinh doanh. Vẻ ngoài của Thanathorn được nhiều người miêu tả là giống "một nhân vật phản diện trong phim Trung Quốc". Tuy nhiên, nhiều người khác coi sự trẻ trung cùng cách nói chuyện hiếm có tạo nên sức hút của chính trị gia này.
|
Chủ tịch đảng Tương lai phía trước Thanathorn Juangroongruangkit chụp hình cùng các sinh viên. Ảnh: AP. |
Một tuần trước ngày bầu cử, ông Thanathorn cho biết đã đưa tài sản của mình vào một quỹ tín thác để tránh các cáo buộc về xung đột lợi ích kinh tế. Tài sản này sẽ bị kiểm soát tới thời hạn 3 năm sau khi ông rời khỏi chính trường.
Bước đi này của Thanathorn nhận được sự tán dương của công chúng, trong bối cảnh người dân Thái Lan đã chán ngán bởi các chính trị gia "giàu lên bất thường" sau khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực.
Đảng Tương lai phía trước hứa hẹn sẽ mang lại làn gió mới cho nền chính trị Thái Lan, với các chính sách cấp tiến như chấm dứt nhập ngũ bắt buộc, cắt giảm ngân sách quân đội, sửa đổi hiến pháp và tăng trợ cấp xã hội.
Nghịch lý chính phủ liên minh
Hệ thống bầu cử Thái Lan năm nay khác nhiều so với các cuộc bầu cử trong quá khứ, do những quy chế và luật lệ mà chính quyền quân sự đặt ra, những điều kiện buộc các đảng phái chính trị phải chấp nhận để đổi lấy bầu cử tự do.
Thứ nhất, người dân Thái Lan sẽ chỉ bầu trực tiếp 350 ghế trong tổng số 500 ghế tại hạ viện. 150 ghế còn lại sẽ được chia cho các đảng dựa trên tỷ lệ phiếu bầu các đảng giành được.
Thứ hai, một cơ quan mới được thành lập là thượng viện gồm 250 ghế, thành viên của cơ quan này được chính quyền quân sự hiện nay lựa chọn. Thượng viện sẽ không có quyền can dự vào việc thành lập chính phủ, nhưng sẽ cùng với 500 thành viên hạ viện tham gia bỏ phiếu bầu thủ tướng.
|
Một cử tri xem danh sách ứng cử viên trước ngày tổng tuyển cử. Ảnh: AFP. |
Cơ chế này đảm bảo cho phe quân sự nắm 1/3 quốc hội Thái Lan từ trước khi bầu cử diễn ra. Phe quân đội sẽ chỉ cần giành 126 ghế tại hạ viện để có thể lựa chọn ứng viên của mình vào vị trí thủ tướng.
Hơn nữa, thủ tướng không nhất thiết phải là một thành viên được bầu của quốc hội, mà có thể là bất kỳ cá nhân nào. Trong trường hợp này, tướng Prayut nhiều khả năng tiếp tục nắm giữ vị trí thủ tướng.
Ở chiều ngược lại, liên minh chống phe quân đội phải giành 376 trong tổng số 500 ghế tại hạ viện mới có hy vọng đưa người của mình lên ghế thủ tướng.
Một nghịch lý có khả năng xảy ra đó là một phe chiếm đa số tại hạ viện, với quyền lực lập pháp, bên kia lại có quyền chọn ra thủ tướng để lãnh đạo nhánh hành pháp. Điều này có nghĩa là chính phủ có thể bị ngăn cản thực thi các chính sách, trong khi các quyết sách của quốc hội cũng không được thi hành.
Kịch bản hậu bầu cử
Không nhiều chuyên gia có đủ tự tin để đưa ra nhận định về kết quả chính xác cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/3. Các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy 2/3 số người được hỏi cho biết chưa đưa ra quyết định về đảng mà họ sẽ bỏ phiếu bầu.
Nhiều ý kiến nhận định phe quân đội đã tạo ra cơ chế quá bất bình đẳng, và họ có thể lập ra một chính phủ liên minh, từ đó lựa chọn ông Prayut tiếp tục làm thủ tướng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng mong muốn thay đổi cùng với tâm lý bất mãn chính quyền quân sự đã dồn nén từ sau cuộc đảo chính 2014 có thể khiến cử tri dồn phiếu cho bất cứ phe nào chống chính quyền quân sự.
"Chúng ta không thể nói trước điều gì sẽ xảy ra, điều này thực sự thú vị", Chris Baker, chuyên gia chính trị Đông Nam Á, tác giả cuốc sách Lịch sử Thái Lan, nhận xét.
|
Người biểu tình phản đối kết quả bầu cử năm 2005. Ảnh: ABC. |
Một câu hỏi được đặt ra là liệu phe thua cuộc có chấp nhận kết quả bầu cử hay sẽ lại có các cuộc biểu tình (nếu phe quân sự thắng cử) hoặc đảo chính (nếu lực lượng chống chính quyền quân sự chiến thắng).
Paul Chamber, chuyên gia từ Trung tâm nghiên cứu ASEAN, cho rằng ảnh hưởng của tướng Prayut trong quân đội Thái Lan đang giảm sút, trong khi Tư lệnh quân đội Apirat Kongsompong đang tích cực củng cố lực lượng. Điều này khiến viễn cảnh một cuộc đảo chính, trong trường hợp chính quyền quân sự thua cuộc bỏ phiếu, là khó xảy ra.
Với người Thái Lan, cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 là cơ hội quan trọng cho họ đưa ra chính kiến về những vấn đề trọng yếu như tương lai của nền dân chủ và vai trò của quân đội trong đời sống chính trị.
Tuần trước, thống kê cho thấy số người đăng ký bỏ phiếu kín đã đạt mức kỷ lục. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân Thái Lan thực sự quyết tâm cất lên tiếng nói vào ngày Chủ nhật này, sau 5 năm dưới chế độ cai trị của chính quyền quân sự.
Theo Duy Anh/Zing