Một nước Mỹ chia rẽ được thể hiện rõ rệt sau kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ 2018. Kết quả không ngoài dự đoán của giới phân tích với chiến thắng ở Hạ viện cho đảng Dân chủ, trong khi đó đảng Cộng hòa tiếp tục là phe đa số ở Thượng viện.
Cuộc bầu cử giữa kỳ không chỉ là một cuộc trưng cầu dân ý với Tổng thống Trump, mà nó còn là bài kiểm tra cho những cái tên sáng giá của đảng Dân chủ cho vị trí ứng viên tổng thống tiếp theo của đảng này.
Mặc dù để mất Hạ viện nhưng đảng Cộng hòa và ông Trump đã có thể bắt đầu nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống 2020. Ở phía bên kia, đảng Dân chủ sẽ có nhiều việc phải làm nếu muốn giành lại Nhà Trắng trong 2 năm tới.
|
Cựu Phó tổng thống Joe Bidden là một trong những cái tên sáng giá của đảng Dân chủ cho vị trí ứng viên tổng thống 2020, nhưng ông Bidden cho rằng thời điểm này là quá sớm để ra tranh cử. Ảnh: Getty
|
Những ứng viên Dân chủ xuất hiện
Một khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy cựu Phó tổng thống Joe Biden đang dẫn đầu trong danh sách những ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ, đứng thứ hai trong danh sách này là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont.
Mặc dù vậy cả hai người này đều chưa chắc chắn về quyết định ra tranh cử của mình. Trong khi đó, một số ứng viên nổi bật khác cũng tiếp tục có chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, tiêu biểu là Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts.
Bà Warren từ lâu đã không giấu ý định ra tranh cử vào năm 2020 và được đánh giá là đối thủ đáng gờm của ông Donald Trump. Quan điểm cấp tiến và lập trường chống tham nhũng của bà được nhiều cử tri đảng Dân chủ ủng hộ.
Sự xuất hiện với số lượng kỷ lục của những ứng viên nữ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay cũng là một trong những tín hiệu tích cực cho bà Warren, hiện thượng nghị sĩ của bang Massachusetts đang đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách ứng viên tổng thống đảng Dân chủ của CNN.
Một số ứng viên tiềm năng khác cũng là những Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand của bang New York và Thượng nghị sĩ Kamala Harris của California. Mặc dù hai bang này đều có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ, thành công của bà Gillibrand và bà Harris sẽ là bệ phóng để họ tranh cử tổng thống vào năm 2020.
Trở ngại lớn nhất của ông Biden là tuổi tác, cựu phó tổng thống năm nay đã 76 tuổi và có lẽ điều đó khiến ông chần chừ trong quyết định ra tranh cử vào hai năm tới. Thượng nghị sĩ Sanders luôn có lượng người ủng hộ ổn định, nhưng nhiều cử tri cho rằng quan điểm của ông nghiêng về chủ nghĩa xã hội, không phải là một người Dân chủ đích thực.
Còn quá sớm để khẳng định, nhưng sau ngày thứ ba, phe Dân chủ đã có được những cái tên nổi bật cho năm 2020. Cuộc đua giành vị trí ứng viên đảng Dân chủ chắc chắn sẽ diễn ra hấp dẫn, và sẽ bắt đầu từ ngày hôm nay.
|
Nếu ra tranh cử vào năm 2020, trong trường hợp không thể thực hiện lời hứa với cử tri trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump có thể đổ lỗi cho việc phe Dân chủ kiểm soát Hạ viện. Ảnh: AFP
|
"Mất Hạ viện có khi lại tốt"
Nếu có một điều quan trọng rút ra từ cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, thì đó là ông Trump vẫn làm quá tốt trong việc thu hút sự chú ý của người dân Mỹ, dù tiêu cực hay tích cực.
Vào cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014, số lượng người đi bầu đạt 83 triệu, mức thấp kỷ lục trong vòng 70 năm ở Mỹ. Nhưng vào ngày 6/11, tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đạt con số 114 triệu, theo ước tính của New York Times, và có một điểm chung trong mối quan tâm của các cử tri, không phải nhập cư, y tế mà là Tổng thống Donald Trump.
Các cuộc thăm dò cho thấy 2/3 cử tri được hỏi cho biết ông Trump là lý do quan trọng nhất khiến họ đi bỏ phiếu. 36% trong số này đi bỏ phiếu để bày tỏ sự phản đối tổng thống, 26% đi bầu để ủng hộ, mặc dù tên của ông Trump không có trên lá phiếu của họ.
Kết quả phân chia quyền lực ở Quốc hội phần nào phù hợp với khung cảnh chính trị hiện tại khi ông Trump được coi là vị tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Sự nổi tiếng này chắc chắn sẽ có lợi cho ông Trump nếu như ông quyết định ra tranh cử vào năm 2020, điều nhiều khả năng sẽ xảy ra. Thậm chí việc đảng Dân chủ giành được Hạ viện có thể còn giúp ích cho tổng thống Mỹ.
Hai năm qua, ông Trump vẫn thường xuyên chỉ trích phe Dân chủ mặc dù đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện. Khi đảng Dân chủ bắt đầu kiểm soát Hạ viện vào tháng 1/2019, Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn nhất định trong việc thực hiện những kế hoạch của mình.
Một điều khác biệt của ông Trump với những người tiền nhiệm, đó là ông không nỗ lực cải thiện hình ảnh của mình trên quy mô toàn quốc, mà thay vào đó là việc tập trung sự quan tâm đến những khu vực có sự ủng hộ truyền thống.
Việc những người Dân chủ nắm Hạ viện sẽ là lý do hoàn hảo để ông Trump có thể đưa ra với các cử tri trung thành vào năm 2020, nếu như ông không thể thực hiện được một số lời hứa của mình khi tranh cử vào năm 2016.
Theo National Review, cựu cố vấn cấp cao của bà Hillary Clinton, Philippe Reines tin rằng Tổng thống Trump sẽ tái cử vào năm 2020. Ông này nhận định: “Không quan trọng tôi nghĩ gì, ông ấy là một cái máy ủi. Tôi luôn cho rằng, dù cuộc bầu cử có diễn ra vào ngày mai đi chăng nữa, đối thủ là ai cũng thế thôi, ông Trump sẽ thắng”.
Đảng Dân chủ có nhiều việc phải làm
Việc đảng đối lập kiểm soát một phần quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ là không hề dễ chịu đối với Nhà Trắng, nhưng nó cũng không phải là dấu chấm hết cho tham vọng của tổng thống. Cả ông Obama và Clinton đều từng trải qua điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng họ vẫn đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Có một sự thật là trong vòng 85 năm qua, chỉ có 2 tổng thống làm việc trong một nhiệm kỳ là Jimmy Carter và George H. Bush, cả hai ông đều thất bại vì nền kinh tế Mỹ gặp vấn đề trong 4 năm đầu tiên của mình.
Tới nay, ông Trump không có gì phải lo về khía cạnh này, những chỉ số đều thể hiện bộ mặt tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện có thể khiến hình ảnh ông Trump bị ảnh hưởng tiêu cực.
Từ năm 2016 tới nay, phe Dân chủ đã tranh cãi về nhiều vấn đề, như cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, việc bổ nhiệm thẩm phán Brett Kavanaugh lên tòa án tối cao của ông Trump, thậm chí là đồn đoán về việc luận tội tổng thống.
Với việc kiểm soát các Hạ viện trong đó có Ủy ban Tình báo, phe Dân chủ có thể vừa giám sát vừa bảo vệ cuộc điều tra của ông Mueller, cùng với đó là việc tổ chức các cuộc điều tra khác nhắm vào ông Trump và các phụ tá.
Tuy nhiên, phe Dân chủ sẽ phải cẩn thận vì không phải lúc nào quyết định tấn công mạnh mẽ cũng đem lại kết quả như mong muốn. Năm 1998, đảng Cộng hòa nắm giữ cả 2 viện nhưng họ thất bại nặng nề trong việc luận tội Tổng thống Clinton, tỷ lệ ủng hộ ông Clinton đạt đỉnh 73% ngay sau sự kiện này.
Đảng Dân chủ sẽ không muốn điều này xảy ra với họ trước năm 2020, khi mà ông Trump nhiều khả năng sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Tin tốt với đảng Dân chủ là họ sẽ có lợi thế hơn ở cuộc bầu cử Thượng viện năm 2020, khi họ sẽ chỉ phải bảo vệ 11 ghế so với 22 ghế của đảng Cộng hòa. Đây là cơ hội lớn để phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện và nếu họ giữ được cả Hạ viện, thì dù có tái cử, ông Trump chắc chắn sẽ có nhiệm kỳ thứ hai đầy vất vả.
Theo Quốc Thăng / Zing