Vụ trộm chưa từng có là một “nỗi sỉ nhục” đối với tòa bảo tàng danh giá, khiến viên giám đốc tức thời bị sa thải. Kế đến mọi biện pháp truy tìm đều được áp dụng, kể cả việc đóng cửa đường biên giới giữa Pháp với các nước lân cận trong một thời gian dài đều không mang lại kết quả.
Hàng chục người bị tình nghi đã được cảnh sát thẩm vấn, trong đó có cả họa sĩ cự phách người Tây Ban Nha Pablo Picasso (1881-1973) đang sinh sống tại Paris, cũng như thi sĩ Pháp nổi tiếng Guillaume Apollinaire (1880-1918) bởi ông này từng kêu gọi qua những vần thơ đòi “thiêu rụi Bảo tàng Louvre”...
Trọn cả tháng ròng “vụ Mona Lisa” trở thành tiêu điểm trên các tờ báo ấn hành tại Pháp và châu Âu, còn công chúng hiếu kỳ lũ lượt kéo nhau đến tòa Bảo tàng Louvre mục kích khoảng trống vốn là nơi trưng bày bức tranh. Để gỡ thể diện, ban lãnh đạo mới của Viện bảo tàng Louvre đã quyết định treo bức chân dung của Balthasar Castiglione (1478-1529), vị cận thần danh tiếng người Italia dưới thời Phục hưng do danh họa Raphael (1483-1520) vẽ, một kiệt tác được cho là ảnh hưởng rõ nét từ phong cách hội họa của Da Vinci thế vào chỗ bức tranh“Mona Lisa” bị trộm từng hiện hữu. Riêng giới đầu nậu xuất bản, cũng như cánh lái buôn nghệ thuật tận dụng cơ hội tung ra bán đủ kiểu bưu thiếp có in hình nàng Mona Lisa kiều diễm.
|
Thủ phạm V. Peruggia. |
Trong thực tế 2 năm kế tiếp bức tranh được kẻ đạo chích cất trong một chiếc vali 2 đáy, giấu tại căn hộ của hắn ở quận 10 ngay trung tâm Paris, rồi bí mật đưa “chiến lợi phẩm” qua Italia bán và bị cảnh sát phát giác. Thủ phạm Vincenzo Peruggia (1881-1925) đã đi vào lịch sử như là kẻ trộm tranh nổi tiếng tại tòa bảo tàng được canh phòng cẩn mật nhất.
Vốn là một người Italia di cư sang Pháp, Vincenzo từng làm việc ở Viện bảo tàng Louvre từ tháng 10-1910 đến tháng 1-1911 trong vai thợ đóng khung kính, nên hắn rất rành mọi ngóc ngách thuộc bảo tàng. Chiều ngày 21-8-1911, Vincenzo lẩn vào dòng người thập phương thăm viếng các gian trưng bày, rồi trốn trong một chiếc tủ đựng giá vẽ chờ dịp hành động.
Hắn thừa biết bảo tàng không mở cửa cho du khách tham quan vào ngày thứ Hai đầu tuần, nên bình thản gỡ bức tranh ra khỏi khung và giấu dưới vạt áo choàng trắng - thứ sắc phục dành cho nhân viên thuộc Bảo tàng Louvre mà Vincenzo cố tình giữ lại từ trước. Kẻ tội phạm đĩnh đạc bước ra cổng chính mà không gặp bất cứ trở ngại nào...
Hơn 2 năm sau, vào ngày 10-12-1913 nhà khảo cổ học Alfredo Geri ở Florence (Italia) nhận được một lá thư ký tên “Leonardo” bên dưới, cùng lời thông báo rằng “cuối cùng nàng Mona Lisa đã trở lại mảnh đất quê hương”; đồng thời kẻ viết thư cũng cho biết sẵn sàng bán bức tranh quý với giá nửa triệu lire. A. Geri lập tức liên lạc với ông Giovani Poggi, Giám đốc phòng tranh Uffizi nhằm xác định tính xác thực của nguồn tin. Họ bàn nhau là A. Geri sẽ yêu cầu Leonardo-Vincenzo cho mục sở thị món hàng “độc” trước khi ngã giá.
|
An ninh tăng cường khi bức tranh nổi tiếng được trưng bày trở lại. |
Sau khi tự tay kiểm tra các dấu vết riêng ở mặt sau bức tranh, phù hợp với số sêri bảo niêm của Bảo tàng Louvre, họ đã ngầm báo cảnh sát và kẻ trộm tranh bị tóm cổ tại trận. Sau đó, tòa án ở Florence đã xử V. Peruggia 1 năm tù giam.
Thực ra mà nói, thoạt tiên bức kiệt tác “Mona Lisa” sơn dầu trên gỗ với kích thước 77cm x 53cm do Leonardo da Vinci vẽ năm 1505, chỉ được coi trọng trong giới am tường lịch sử hội họa. Chính các vụ trộm, hay cố ý phá hủy bức chân dung này đã khiến tranh trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất mọi thời.
Theo các nhà buôn tranh sành sỏi, giả dụ Bảo tàng Louvre muốn rao bán bức tranh “Mona Lisa” vào thời điểm hiện nay, hẳn sẽ có người sẵn sàng trả số tiền khổng lồ không dưới 800 triệu USD để được sở hữu tác phẩm hội họa hàng đầu thế giới này.
Theo Trần Hồng/Báo An ninh Thế giới