Người dân di chuyển dưới trời nắng nóng tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 16/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Vào lúc 13h51 (giờ địa phương), nhiệt độ được đo bởi trạm quan trắc của Bắc Kinh ở vùng ngoại ô phía Nam đã tăng vọt lên trên 40 độ C.
Tính đến ngày 24/6, thành phố gần 22 triệu dân đã có 3 ngày liên tiếp đạt nhiệt độ trên 40 độ C – một hiện tượng chưa từng ghi nhận kể từ khi thành lập trạm quan trắc phía Nam vào năm 1951.
Ngoài Bắc Kinh, một số khu vực lân cận như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Nội Mông và Thiên Tân đã nâng lên hoặc giữ cảnh báo thời tiết nắng nóng ở mức "đỏ", mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo bốn cấp của Trung Quốc. Cảnh báo đỏ biểu thị nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C trong vòng 24 giờ.
“Đợt nắng nóng năm ngoái đã cho thấy một số rủi ro đối với nguồn cung lương thực của Trung Quốc và tác động tiềm ẩn đối với giá cả. Một đợt hạn hán khác sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trong khi vật nuôi dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao”, công ty tư vấn kinh tế Capital Economics viết trong một ghi chú ngày 23/6.
Cũng trong ngày 24/6, truyền thông nhà nước đưa tin nhiệt độ mặt đất vượt quá 70 độ C ở một số vùng của Sơn Đông - tỉnh đông dân nhất của Trung Quốc sau Quảng Đông và là vùng chính trồng cây lương thực.
Các đợt nắng nóng do các khối không khí ấm kết hợp với áp suất cao trong khí quyển gây ra. Theo các nhà khí tượng học Trung Quốc, hiệu ứng này được khuếch đại bởi lớp mây mỏng và thời gian ban ngày dài hơn vào ngày hạ chí.
Theo nhật báo Beijing Daily, ở Bắc Kinh từ năm 1990 đến năm 2020, số ngày trung bình có nhiệt độ từ 35 độ C trở lên là 10,6 ngày. Trong ngày 22/6 vừa qua, nhiệt độ cao nhất của thành phố với gần 22 triệu dân này đã vượt 41 độ C và phá vỡ kỷ lục ngày nóng nhất trong tháng 6. Nhiệt độ cao kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 10/6/1961, khi nhiệt độ tăng lên 40,6 độ C. Mức nhiệt cao nhất trong ngày 22/6 là mức nhiệt cao thứ hai trong lịch sử thành phố Bắc Kinh, thấp hơn mức nhiệt 41,9 độ C vào ngày 24/7/1999.
Theo Bảo Hà/Báo Tin Tức