Kể từ khi nghỉ hưu, bà Triệu, 59 tuổi, ở tỉnh Giang Tô (miền đông Trung Quốc), luôn lo lắng chuyện hôn nhân của cô con gái duy nhất đã ngoài 30 tuổi. Bà thường xuyên cãi vã, chiến tranh lạnh và hờn dỗi con gái vì cô này chưa chịu lấy chồng, báo chí Trung Quốc đưa tin.
Thời gian trôi qua, bà Triệu cảm giác mọi người xung quanh đang cười nhạo mình và khóc lóc suốt ngày. "Tôi cảm thấy mình thua kém người khác và cuộc sống của tôi không tốt bằng những người khác", người phụ nữ này nói. Mãi cho đến khi gia đình đưa bà Triệu đến bệnh viện để điều trị, họ mới phát hiện bà bị trầm cảm.
|
Bà Triệu bị trầm cảm nặng vì con gái hơn 30 tuổi nhưng vẫn chưa chịu kết hôn. Ảnh: Weibo. |
Sau một thời gian được bác sĩ lập phác đồ điều trị chuyên nghiệp, hiện nay tình trạng của bà đã dần được cải thiện.
Câu chuyện của bà Triệu đã làm dấy lên một cuộc tranh luận trực tuyến về áp lực kết hôn mà nhiều thanh niên Trung Quốc phải chịu từ cha mẹ. "Một dạng trầm cảm điển hình ở Trung Quốc là cha mẹ lo lắng về việc con gái họ độc thân, không sinh con thứ hai hoặc thậm chí không có con", một người viết trên Weibo (mạng xã hội tương tự Facebook). Một phụ nữ khác chia sẻ: "Tôi cảm thấy ngột ngạt khi xem bài báo này". "Cha tôi cũng giống vậy, ông đổ lỗi cho việc tôi độc thân khiến ông mất ngủ", một cư dân mạng khác cho biết.
Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm 2022, khi chỉ có 6,83 triệu cặp đôi kết hôn. Xu hướng này đã được duy trì trong 9 năm liên tiếp, giảm từ con số 13,47 triệu cuộc hôn nhân vào năm 2013. Lần cuối cùng số lượng cặp đôi kết hôn ở mức thấp như vậy là vào năm 1979, với 6,37 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn.
Trên nền tảng Xiaohongshu (mạng xã hội tương tự Instagram), một phụ nữ nói rằng cô thích sống độc thân hơn nếu không tìm được tình yêu đích thực vì "hôn nhân giống như phủ lớp kem lên chiếc bánh nhưng phần nhân cũng cần phải ngon". Cô cho rằng hôn nhân là một phần bổ sung thú vị giúp nâng cao cuộc sống, giống như kem tạo thêm vị ngọt và hấp dẫn cho một chiếc bánh. Trước khi bước chân vào hôn nhân, các cá nhân nên tập trung vào việc làm cho cuộc sống của chính mình trở nên trọn vẹn, thú vị và thỏa mãn. Thái độ này phản ánh một hiện tượng ngày càng phổ biến ở thế hệ trẻ, những người coi trọng sự độc lập và phát triển cá nhân hơn. Đối với họ, kết hôn không phải là "bến đỗ cuối cùng" hay "bến đỗ an toàn" như quan niệm của thế hệ trước.
Năm 2021, một phụ nữ trẻ được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm vì áp lực kết hôn từ gia đình. Người phụ nữ ở độ tuổi 30 này bị trầm cảm nặng sau khi cha cô gọi cô là "hàng mất giá" vì cô còn độc thân.
Thảo Nguyên (Theo SCMP)