Bé trai tên Rahul Sahu, bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói, rơi xuống giếng ngày 10/6 khi đang chơi ở sân sau nhà ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ. Rahul Sahu bị mắc kẹt cách mặt đất gần 20m.
Quân đội và các thành viên cơ quan ứng phó thiên tai Ấn Độ cũng được điều động tới hiện trường. Lực lượng cứu hộ gồm hơn 200 người đang nỗ lực hết sức giải cứu bé trai kẹt dưới giếng hẹp 4 ngày.
Theo báo The Indian Express, có nhiều thách thức trong cuộc giải cứu cậu bé như thời tiết xấu, mực nước ngầm và kết cấu đá không ổn định. Thậm chí có bọ cạp và rắn độc trốn trong các kẽ hở, khiến các nỗ lực giải cứu bé trai gặp khó khăn.
|
Lực lượng cứu hộ Ấn Độ đang cố gắng giải cứu bé trai 10 tuổi đã mắc kẹt dưới giếng hẹp 4 ngày. |
Ban đầu, lực lượng cứu hộ cân nhắc việc thả dây xuống cho Rahul Sahu nhưng rất khó để truyền đạt kế hoạch. Họ lên kế hoạch sử dụng robot nhưng phải gác lại vì máy móc không hoạt động trên đất ẩm ướt, trơn trượt.
Sau đó, nhân viên cứu hộ đã dùng máy xúc đất và cần cẩu đào một đường hầm hẹp bên cạnh giếng nhằm giải cứu Rahul Sahu. Một nhân viên cứu hộ cho biết họ đào theo cách thủ công, vì máy móc tạo ra rung động có thể làm cho toàn bộ kết cấu không ổn định. Dân làng cũng dùng máy bơm giúp hút nước.
Ông Vijay Agrawal - Cảnh sát trưởng quận Janjgir, bang Chhattisgarh, nơi xảy ra vụ việc - cho biết Rahul Sahu "phản hồi tốt". Một camera được lắp đặt để theo dõi các hành động của cậu bé. Ông Agrawal giải thích: "Vì cậu bé không thể nói hay nghe nên chúng tôi gặp thách thức lớn".
|
Nhân viên cứu hộ đào đường hầm song song với giếng mà Rahul Sahu rơi xuống. |
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ còn đưa xuống giếng một ống oxy để cung cấp dưỡng khí cho Rahul Sahu. Tuy nhiên, người phát ngôn của chính quyền địa phương cho biết nỗ lực đào hầm đang bị chậm lại vì nền đá quá cứng.
Thủ hiến bang Chhattisgarh Bhupesh Baghel cho biết ông hy vọng Rahul Sahu sẽ được đưa ra khỏi giếng. Ông chia sẻ trên mạng xã hội rằng cậu bé đã ăn một quả chuối do nhân viên cứu hộ gửi xuống.
Những người cứu hộ khen Rahul Sahu cam đảm khi ngồi hơn 60 giờ trong nước, có thời điểm nước cao đến cổ.
Cha của Rahul Sahu nói rằng cái giếng được đào cách đây vài ngày và không che miệng giếng, vì ông thấy không có nhiều nước. "Tôi đã đào sâu hơn 24m nhưng có rất ít nước. Do đó tôi định lấp giếng lại và đào một cái khác", người cha cho biết.
Tại vùng nông thôn Ấn Độ, nhiều giếng nước không có nắp đậy, gây ra tai nạn đáng tiếc với trẻ nhỏ. Năm 2019, một đứa trẻ 2 tuổi thiệt mạng bất chấp nỗ lực giải cứu kéo dài 4 ngày tại bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Cùng năm đó, một đứa trẻ một tuổi rưỡi được giải cứu tại bang Haryana sau mắc kẹt 2 ngày.
Thảo Nguyên (Theo Metro)