Jorge phải chờ 19 ngày cho tới lịch hẹn nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ, và anh chỉ hy vọng bình an vô sự cho tới ngày đó.
Thử thách của anh không hề nhỏ. Thành phố Nuevo Laredo bên phía Mexico, nơi anh ở tạm, đầy rẫy các vụ bắt cóc, tống tiền, cướp của và giết người.
Vì vậy Jorge, di dân đã vượt chặng đường từ tận Cuba, dùng cách hiển nhiên nhất để giữ an toàn: luôn ở trong nhà.
Hôm 10/7, cậu bé Cristan đang hấp hối được phát hiện cạnh cha của mình, ông Rudy ở bên vệ đường tại bang Veracruz, Mexico. Cả hai đều có vết cắt trên cổ, Cristan qua khỏi nhưng cha cậu đã chết khi được phát hiện. Họ rời bỏ quê nhà ở Guatemala để đến Mỹ nhưng bị những kẻ buôn người bỏ lại giữa đường ở Mexico, rồi bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, sau đó bị sát hại.
Bi kịch của cha con Rudy và Cristan nói lên những nỗi nguy hiểm mà người di cư đến Mỹ phải trải qua trên đường tìm kiếm "giấc mơ Mỹ". Họ chạy trốn nghèo đói và bạo lực ở quê nhà, nhưng trước khi đến Mỹ, họ phải đối mặt với những kẻ buôn người, các băng nhóm tội phạm cùng những cung đường chết chóc.
|
Jorge, người xin tị nạn đến từ Cuba, đang đứng bên ngoài một trại tạm trú tại thành phố Nuevo Laredo đầy rẫy bạo lực, ở Mexico, giáp biên giới Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Mòn mỏi chờ đợi ở những nơi đầy bạo lực
Jorge chỉ ở trong trại di dân, cho đến ngày hẹn mà anh có thể tới gặp quan chức biên giới ở Laredo, bang Texas, Mỹ.
Nhưng sau cuộc hẹn chóng vánh, anh phải về lại phía Mexico, và đợi thêm hai tháng cho tới cuộc hẹn sau, thay vì được đợi ở Mỹ.
Cách để anh sống sót đến lúc đó vẫn vậy: ở trong nhà.
“Tôi chưa biết về tình hình tội phạm ở đây... và tôi cũng không muốn gặp điều đó”, Jorge, 24 tuổi, nói với New York Times, yêu cầu giấu họ của mình để bảo vệ gia đình ở Cuba.
Tuần này, Nuevo Larado là thành phố lớn nhất được thêm vào danh sách các thành phố mà người tị nạn như Jorge sẽ tạm trú trong khi đợi các cuộc hẹn với giới chức Mỹ. Chương trình này thường được gọi không chính thức là “Chờ tại Mexico”.
Chương trình được khởi xướng từ tháng một, là sự hợp tác của Mỹ và Mexico để giảm áp lực lên hệ thống trại giam ở Mỹ và ngăn cản di dân tới đây trên các “cung đường chết chóc”.
Kể từ đó, hơn 18.000 di dân và người xin tị nạn đã quay về phía Mexico qua các cửa khẩu ở Tijuana, Mexicali và Ciudad Juárez, bất chấp sự phản đối từ các nhóm nhân quyền lập luận rằng chính sách này đặt di dân vào vòng nguy hiểm ở các thành phố có tỷ lệ bạo lực cao.
Nhiều tuần qua, khi có các thông tin rằng thành phố Nuevo Lerado được thêm vào chương trình “Chờ tại Mexico”, sự phản đối ngày càng tăng, vì thành phố lớn này nằm trong bang Tamaulipas gần như không còn luật lệ.
Ở Nuevo Lerado, các băng nhóm tội phạm thậm chí còn đi tuần trên các xe tải, tay cầm vũ khí, theo người dân địa phương.
Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo mọi người không đến đây trong bất kỳ trường hợp nào. “An ninh tiểu bang và liên bang (của Mexico) có năng lực hạn chế trong việc đối phó với nạn bạo lực ở nhiều nơi trong bang”, theo khuyến cáo.
|
Nuevo Laredo, thành phố có tỷ lệ tội phạm cao, được lực lượng Vệ binh Quốc gia Mexico tuần tra. Ảnh: New York Times. |
"Thà vào trại giam của Mỹ còn hơn"
“Rất nguy hiểm, với chúng tôi, hay với ai cũng vậy”, mục sư Aarón Méndez Ruiz, phụ trách trại tạm trú Casa del Migrante Amar, nói với New York Times.
Tội phạm ở đây luôn muốn nhắm đến di dân. Nguy cơ cao đến mức giới chức Mexico phải chở di dân về từ biên giới Mỹ trong các xe, thay vì để họ đi bộ quãng đường ngắn về trung tâm tiếp nhận di dân. Giới chức Mexico cũng thuê xe đón di dân ngay ở các trung tâm tiếp nhận, thay vì để họ tới các bến xe vốn là địa bàn của các băng nhóm.
Cha Julio López, phụ trách một trại tạm trú khác là Casa del Migrante Nazareth, còn khuyên di dân không cầm theo điện thoại khi đi ra ngoài. Để chẳng may họ bị bắt cóc, kẻ bắt cóc sẽ không thể liên hệ với gia đình, họ hàng ở Mỹ tống tiền.
|
Sau nhiều tuần đợi ở trại tạm trú Casa del Migrante Nazareth, một gia đình Venezuela chuẩn bị nộp đơn xin tị nạn ở Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Tổ chức cứu trợ y tế Bác sĩ Không Biên giới cho biết hơn 45% trong số hàng trăm di dân mà họ chữa trị ở Nuevo Laredo từ tháng 1-5/2019 là nạn nhân của ít nhất một hành vi bạo lực trong thành phố.
“Hầu hết bệnh nhân của chúng tôi không ra ngoài phố vì rủi ro bị bắt cóc luôn rình rập”, María Hernández, từ văn phòng Mexico của tổ chức, nói với New York Times.
Việc mở rộng chương trình “Chờ tại Mexico” tới thành phố Nuevo Laredo nằm trong thỏa thuận mà Mỹ và Mexico đạt được tháng trước. Theo đó, Mexico điều thêm 20.000 quân để ngăn chặn dòng di dân đi qua nước này lên phía Mỹ.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuần trước cho biết số lượng di dân bị bắt giữ dọc biên giới Mexico đã giảm mạnh so với tháng trước, cho thấy thỏa thuận hợp tác giữa hai nước đang tạo ảnh hưởng.
|
Lực lượng biên phòng Mỹ kiểm tra giấy tờ của gia đình Venezuela xin tị nạn tại biên giới. Ảnh: New York Times. |
Một số người đã bỏ cuộc và về nước vì phải đợi lâu. Tổ chức Di dân Quốc tế đã thuê vài xe buýt trong hai tuần qua để chở khoảng 140 di dân về Guatemala và Honduras.
Những người đầu tiên quay lại Nuevo Laredo, sau khi nơi này được thêm vào nhóm các thành phố “Chờ tại Mexico”, được chuyển về đây vào ngày 9/7 vừa qua, gồm 10 người Cuba và một người Venezuela.
Trong số họ, Reinier, 38 tuổi, đến từ Cuba, cho biết anh đã được cảnh báo trước về chính sách “Chờ tại Mexico”, nhưng thực tế ở Nuevo Laredo vẫn là “một cú sốc”. Ông nói thà bị nhốt trong trại giam của Mỹ vì trong đó an toàn hơn.
Trong 6 tuần đợi ở Nuevo Laredo, ông hiếm khi rời trại vì ngoài phố quá nguy hiểm. Bây giờ, ông còn phải đợi hai tuần nữa.
Quy trình đưa di dân về Mexico trong tuần này bị chỉ trích là bỏ mặc di dân. Giới chức Mỹ áp giải di dân tới biên giới và trao họ cho biên phòng Mexico. Sau đó, di dân được thả mà không có hỗ trợ gì thêm.
|
Một gia đình di dân người Guatemala ở Casa del Migrante Nazareth ở Nuevo Laredo, Mexico. Họ bị băng đảng Mexico bắt cóc ba ngày từ một trạm xe buýt. Ảnh: New York Times. |
“Tôi cảm thấy bị bỏ rơi, không được bảo vệ”, Reinier nói với New York Times. Ông cũng muốn giấu họ của mình để bảo vệ gia đình ở Cuba.
“Không ai bảo vệ, không ai đảm bảo an ninh”, cha Lopéz nói.
Quá lâu và quá nguy hiểm
Di dân ở 6 trại tạm trú ở Nuevo Laredo có vô số câu chuyện chạm trán với tội phạm trong thành phố. Những di dân may mắn tìm được việc làm thường được chủ đón đi làm và đưa về nhà mỗi ngày vì lo ngại an toàn.
Joel, di dân từ Honduras và cũng giấu họ để bảo vệ bản thân, cho biết anh đến Nuevo Laredo với dự định vượt sông Rio Grande vào Mỹ bất hợp pháp. Nhưng khi vừa tới bến xe, một nhóm người lạ mặt lôi anh lên xe tải và đưa đi.
Thanh niên 25 tuổi bị giam 9 ngày, trong thời gian đó những kẻ bắt cóc gọi các số điện thoại Mỹ mà chúng tìm được trong điện thoại anh, mong tìm được ai đó để đòi tiền chuộc 8.000 USD. Không tìm được ai sẵn sàng trả tiền, chúng thả anh ra kèm lời đe dọa sẽ giết nếu gặp anh lần nữa.
Sau trải nghiệm kinh hoàng, và nhận ra vượt biên sẽ khó hơn so với dự đoán, Joel đang tìm cách về nước. “Tôi có thể sẽ tự ra trình diện giới chức nhập cư”, anh nói.
|
Joel, di dân từ Honduras, nói anh bị bắt cóc ở Nuevo Laredo, Mexico và được thả ra sau khi những kẻ bắt cóc không tìm được ai trên điện thoại của anh để tống tiền. Ảnh: New York Times. |
Mục sư Méndez, phụ trách trại tạm trú Casa del Migrante Amar nói trên, dự đoán sẽ càng nhiều người xin tị nạn bỏ cuộc vì phải đợi quá lâu và nhận ra xin tị nạn khó như thế nào, và hồ sơ của họ thiếu sót thế nào.
José Luis Navarrete Flores, 31 tuổi, người Mexico, đã đợi ba tháng ở thành phố này với vợ và ba con nhỏ, nói không đời nào anh bỏ cuộc. Nhưng anh nói có thể sẽ chuyển đến thành phố khác an toàn hơn và có nhiều công việc hơn.
“Lý do chính là tôi sợ hãi khi ra ngoài phố”, anh nói.
Jorge, người xin tị nạn Cuba vừa phải về đợi ở Mexico tuần qua, nói hai tháng nữa đợi ở Nueva Laredo sẽ là một sự hy sinh nhỏ. Vừa nói, tay anh vừa chỉ về phía Mỹ, chỉ cách trại tạm trú của anh vài trăm mét.
“Sang được bên kia, tôi sẽ ở cả đời cơ mà”, anh nói một cách quả quyết. “Giấc mơ Mỹ” của anh dường như còn xa vời khi phải chờ đợi ở một nơi nguy hiểm như Nueva Laredo.
|
Mặt trời mọc trên dòng sông Rio Grande, ngăn cách biên giới Mỹ - Mexico, nơi hàng trăm di dân thiệt mạng mỗi năm. Ảnh: New York Times. |
Theo Trọng Thuấn/Zingnews