Cách đây gần 35 năm, vào ngày 28 tháng 8 năm 1984, thiếu nữ trẻ trung xinh xắn Elisabeth Fritzl, 18 tuổi, đột ngột mất tích. Mẹ của cô gái, bà Rosemarie, cuống cuồng đi tìm và hỏi thăm khắp nơi nhưng không thấy con gái nên phải báo cảnh sát. Trong suốt nhiều tuần sau đó, Elisabeth vẫn bặt vô âm tín khiến gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ nhất. Vậy mà sau đó, không biết từ đâu, Elisabeth gửi thư về thông báo rằng cô đã mệt mỏi với cuộc sống gia đình và đã bỏ trốn.
|
Ảnh chụp Elisabeth năm cô 16 tuổi. |
Cha của Elisabeth, Josef Fritzl, nói với cảnh sát rằng ông ta không biết con gái mình đi đâu nhưng ông ta nghi ngờ rằng Elisabeth đã tham gia vào một giáo phái nào đó vì trước đây cô từng nhắc đến.
Thế nhưng, sự thật là Josef biết chính xác con gái mình đang ở đâu. Cô gái trẻ chẳng ở đâu xa mà ở ngay dưới căn hầm trong ngôi nhà, chỉ 6 mét bên dưới nơi cảnh sát đang đứng.
Chuyện bắt đầu vào ngày 28 tháng 8 năm 1984, Josef gọi con gái mình xuống tầng hầm bên dưới ngôi nhà với lý do hắn đang lắp cánh cửa cho căn hầm mới cải tạo nên nhờ con giúp một tay. Elisabeth đồng ý xuống giữ cánh cửa để cha mình lắp vào bản lề. Josef lợi dụng lúc con gái không để ý đã dùng chiếc khăn có tẩm ether bịt vào miệng khiến cô bất tỉnh.
Suốt 24 năm sau đó, Elisabeth Fritzl chỉ quanh quẩn dưới căn hầm mà không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Tên Josef đã đánh lạc hướng vợ và cảnh sát nên ai cũng tin rằng Elisabeth hư hỏng, đi theo một giáo phái nào đó. Lâu dần, không ai còn nhắc đến cô gái ấy nữa.
Trong mắt gia đình, Josef là một kỹ sư chăm chỉ, luôn có thói quen xuống tầng hầm mỗi ngày vào lúc 9h sáng để làm việc, thiết kế các loại máy móc rồi đem bán. Thỉnh thoảng ông ta sẽ ở đó qua đêm, nhưng bà Rosemarie không chút lo lắng, nghi ngờ vì Josef được đánh giá là một người đàn ông chăm chỉ, hết lòng vì công việc và ga đình. Còn trong mắt của Elisabeth Fritzl, Josef không khác gì một con quỷ dữ. Trong 2 năm đầu, tối thiểu là 3 lần 1 tuần hoặc ngày nào cũng vậy, hắn xuống, mang theo đồ ăn cho Elisabeth. Sau đó, hắn bắt đầu cưỡng hiếp con gái hàng đêm, ngay dưới ngôi nhà có vợ và các con sống bên trên.
Trong 2 năm đầu bị cha đẻ cưỡng hiếp, Elisabeth đã mang thai nhưng bị sẩy khi thai mới được 10 tuần. 2 năm sau, cô lại mang thai và đến tháng 8 năm 1988, một bé gái tên Kerstin chào đời. 2 năm tiếp theo, một bé trai tên Stefan ra đời ngay tại căn hầm.
Kerstin và Stefan đều phải ở dưới hầm cùng mẹ, sống sót bằng lượng thức ăn, nước uống ít ỏi mà Josef mang xuống mỗi tuần. Trong hoàn cảnh tăm tối ấy, bằng bản năng của một người mẹ Elisabeth vẫn cố gắng dạy dỗ con với những kiến thức mà cô đã học được trong 18 năm được "sống trên mặt đất", cô muốn mang đến cho con một cuộc sống bình thường nhất có thể trong hoàn cảnh khủng khiếp ấy. Trong suốt 24 năm bị cha mình giam cầm, ngoài Kerstin và Josef, Elisabeth đã sinh thêm 5 đứa trẻ nữa. 1 trong số chúng đã chết không lâu sau khi ra đời, 1 đứa ở lại cùng với Elisabeth, và đã có 3 đứa trẻ được Josef mang lên để sống chung với gã và vợ.
Để che giấu tội ác mình đang làm, mỗi lần mang 1 đứa trẻ lên, Josef lại dàn dựng cảnh nhặt con rơi không chút sơ hở, có thể là đặt đứa trẻ dưới 1 bụi cây gần nhà hoặc ngay cửa nhà. Mỗi lần như vậy, đứa trẻ sẽ được quấn tã gọn gàng và kèm theo một bức thư được cho là của Elisabeth với nội dung rằng cô không thể chăm sóc em bé và muốn bố mẹ giúp đỡ.
Có một điều đáng kinh ngạc là các tổ chức xã hội không bao giờ đặt câu hỏi về sự xuất hiện của những đứa trẻ và cho phép gia đình Fritzl chăm sóc chúng như con của mình. Còn các nhà chức trách địa phương thì vẫn cho rằng đó là cháu của vợ chồng nhà Fritzl.
Josef dự định giam cầm Elisabeth trong bao lâu là điều không ai có thể chắc chắn được nhưng vào năm 2008, một điều bất ngờ đã xảy ra...
Elisabeth quỳ xuống cầu xin Josef đưa con gái Kerstin 19 tuổi vào bệnh viện vì tình trạng sức khỏe của Kerstin đã rất nguy kịch. Josef đành phải miễn cưỡng đồng ý đưa Kerstin đến bệnh viện. Tất nhiên, hắn cũng lấy lý do là Elisabeth gửi một bức thư giải thích về căn bệnh của Kerstin và cầu xin giúp đỡ.
Trong 1 tuần đó, cảnh sát đã nghi ngờ và đến tận bệnh viện trực tiếp thẩm vấn Kerstin về gia đình của cô nhưng Kerstin có gia đình đâu mà kể. Cuối cùng, họ đã nghi ngờ Josef và mở lại cuộc điều tra về vụ mất tích bí ẩn của Elisabeth Fritzl. Họ đọc lại những lá thư mà Elisabeth đã gửi cho ông bà Fritzl và bắt đầu thấy sự mâu thuẫn trong đó.
Ngày 26 tháng 4 năm 2008, Elisabeth Fritzl lần đầu được nhìn thấy ánh sáng mặt trời sau 24 năm bị giam cầm. Cô ngay lập tức chạy đến bệnh viện để tìm thăm con gái và đã bị cảnh sát đưa vào phòng thẩm vấn. Đêm hôm đó, sau khi đã dàn xếp một thỏa thuận rằng cô sẽ không bao giờ phải gặp lại người cha ác quỷ, Elisabeth đã kể lại câu chuyện về 24 năm giam cầm với nhiều chi tiết không thể tưởng tượng nổi.
Cô kể rằng cô đã bị bố đẻ nhốt lại trong tầng hầm dưới căn nhà. Cô đã sinh ra 7 đứa trẻ và thỉnh thoảng, Josef sẽ xuống dưới tầng hầm, bắt cô xem những thể loại phim khiêu dâm khác nhau và bắt cô diễn lại những cảnh đó. Cô còn kể thêm việc bạo hành đã bắt đầu kể từ khi cô chỉ mới 11 tuổi. Trong suốt khoảng thời gian bị cầm tù, Elisabeth đã bị hiếp dâm tổng cộng hơn 3.000 lần.
Ngay trong đêm hôm đó, Josef đã bị cảnh sát bắt giữ, Rosemarie sau khi biết về vụ việc này đã bỏ trốn. Cảnh sát cho rằng bà và những người sống trong căn hộ đều không biết chuyện gì đã xảy ra ngay dưới chân mình.
|
Josef Fritzl tại tòa án. |
Hiện tại, Elisabeth đang sống ở Áo với một danh tính hoàn toàn mới, nhà của cô luôn được gắn camera theo dõi, cảnh sát thường xuyên đi tuần quanh khu vực đó để đảm bảo an toàn. Mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng Elisabeth vẫn chưa có bức ảnh mới nào kể từ năm16 tuổi.
Bác sĩ tâm thần Heidi Kastner, người đã phỏng vấn Fritzl để đưa ra đánh giá liệu người đàn ông này có thích hợp để lên tòa hay không, cho biết: "Những gì ông ta đã nói đều là lời lẽ cộc cằn, thô lỗ, điều này cho thấy ông ta có nhu cầu thống trị cao về phụ nữ và tình dục". Năm 2009, ở tuổi 82, Fritzl bị kết án với tội danh giết người sau khi giết chết đứa trẻ trong bụng Elisabeth, giam cầm người bất hợp pháp và hãm hiếp. Hiện tại, gã đàn ông ác quỷ này đang chịu án tù chung thân.
Elisabeth rất biết ơn sự chăm sóc và hỗ trợ mà cô nhận được từ phía cảnh sát. Cô vẫn giữ liên lạc với điều tra viên tên Reigner, người đầu tiên tiếp cận Elisabeth và đưa mọi chuyện ra ánh sáng. Elisabeth không quên gửi lời chúc đến ông vào những dịp Giáng sinh hay lễ Phục sinh. Năm 2017, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Reigner cho biết: "Tôi đã rất xúc động khi nhận được bức thư của Elisabeth, giờ đã trở thành bà ngoại bên cạnh những đứa cháu của mình".
Nội dung bức thư có đoạn: "Cảm ơn ông đã giúp đã chúng tôi. Chính ông đỡ ở đó khi chúng tôi đang trong tình huống khó khăn nhất. Khi chúng tôi cần sự hỗ trợ, ông đã quan tâm đến chúng tôi mà không ngại ngần. Chúng tôi hy vọng, chúng tôi sẽ không cô đơn với những người bạn luôn ủng hộ chúng tôi".
Theo Helino