Tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký văn kiện chung được đánh giá là “quan trọng và toàn diện”, trong đó Triều Tiên đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, còn Mỹ cho biết sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.
Nhiều vấn đề còn tồn tại, chẳng hạn như các bước đi cụ thể mà Triều Tiên sẽ thực hiện trong quá trình phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, theo Washington Post, cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua có thể coi là một cơ hội lịch sử đem lại lợi ích cho nhiều người, trước hết phải kể đến hai "nhân vật chính" là Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Ai là những người hưởng lợi?
Washington Post nhận định, Tổng thống Trump nằm trong số những "người chiến thắng" cuộc sau cuộc hội đàm thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12/6 vừa qua.
Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là màn thể hiện năng lực chính trị tuyệt vời nhất của Tổng thống Trump kể từ khi ông chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2017 và cũng cho thấy tình trạng giảm leo thang căng thẳng đáng kể giữa các cường quốc hạt nhân.
Ngay từ trước cuộc gặp, ông chủ Nhà Trắng đã rất tự tin có thể “đọc vị” nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngay trong phút đầu tiên gặp mặt rằng ông Kim có nghiêm túc với việc giải trừ vũ khí hạt nhân hay không.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được đánh giá là thành công tốt đẹp và với kết quả đó, Tổng thống Trump có thể là ứng cử viên tiềm năng nhận được giải Nobel Hòa bình năm nay.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Cũng theo tờ báo, chỉ riêng sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng đã là một chiến thắng của ông Kim.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP. |
Với việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hội đàm trực tiếp Tổng thống Trump, ông trở nên nổi bật hơn trong giới nguyên thủ thế giới, chuyển từ vị trí bị quốc tế cô lập đến vị thế của một nhà lãnh đạo ở trung tâm "sân khấu" chính trị thế giới.
Ba công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do
Ba công dân Mỹ là Kim Dong-chul, Tony Kim và Kim Hak-song từng bị Triều Tiên bắt giữ nhưng đã được trả tự do về nước vào tháng 5/2018, trước thềm Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Có thể nói, họ là những người hưởng lợi nhất từ sự tiến triển ngoại giao giữa Triều Tiên và Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Hơn ai hết trong chính quyền Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, từng là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã có thể nâng cao vị thế của mình qua các cuộc đàm phán với Triều Tiên.
Mời độc giả xem thêm video: Tổng thống Trump tới Singapore dự thượng đỉnh Mỹ-Triều (Nguồn: Daily Mail)
Singapore
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Singapore mang lại cơ hội thúc đẩy nền kinh tế cho đảo quốc xinh đẹp này. Nhiều doanh nghiệp ở Singapore kiếm bộn tiền bằng cách tung ra nhiều mặt hàng “ăn theo” sự kiện lịch sử này như bánh mì kẹp theo chủ đề hội nghị thượng đỉnh hay huy chương “Hòa bình thế giới”,...
Dennis Rodman
Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman, người bạn thân lâu năm của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thu hút nhiều sự quan tâm của giới truyền thông trong dịp hội nghị diễn ra. Ông Dennis xuất hiện liên tục trong suốt quá trình CNN đưa tin về cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim.
Ai là người "thua cuộc"?
Thủ tướng Canada Justin Trudeau
Tổng thống Trump đã bỏ ngang Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Canada hôm 10/6 để bay sang Singapore dự thượng đỉnh Mỹ-Triều.
|
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: Canadian Press. |
Trên đường đi, ông Trump thông báo sẽ không ký tuyên bố chung được đưa ra bởi các nhà lãnh đạo G7 “vì những phát ngôn sai lệch của Thủ tướng Justin tại cuộc họp báo của ông ấy và thực tế rằng Canada đang áp đặt mức thuế lớn lên những người nông dân, công nhân và doanh nghiệp Mỹ”.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã chỉ trích Thủ tướng Justin Trudeau là "kém cỏi và không trung thực” khi nhà lãnh đạo Canada cho rằng “thuế quan của Mỹ như một sự xúc phạm” và “ông ấy sẽ không bị chi phối”.
CNN dẫn lời Cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng Larry Kudlow sau đó cho biết nguyên nhân khiến Tổng thống Trump tức giận như vậy chủ yếu là nhằm gửi thông điệp tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
“Ngài ấy (Tổng thống Trump) sẽ không cho phép thể hiện bất cứ sự yếu mềm nào trong chuyến đi đàm phán với Triều Tiên. Và ông ấy cũng không muốn ông Kim Jong-un thấy được điểm yếu nào của Mỹ”, cố vấn Larry nói.
Phần còn lại của G7
Với việc tập trung cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Tổng thống Trump dường như không sẵn sàng tập trung toàn bộ mối quan tâm cho các quốc gia còn lại của G7 tại Canada. Theo Washington Post, ông chủ Nhà Trắng từng phàn nàn với các trợ lý về việc phải gặp các đồng minh trong G-7, nói rằng thời gian đó để chuẩn bị cho cuộc gặp với ông Kim sẽ tốt hơn.
Cuối cùng, vì Tổng thống Trump, Hội nghị thượng đỉnh G-7 đã không thể đưa ra tuyên bố chung về “thương mại tự do, công bằng và mang lại lợi ích cho nhau”.
Thiên An