Ai được lợi từ vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal?

Google News

Tranh cãi giữa Nga và Anh về vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ngày càng căng thẳng khi London chưa công bố những bằng chứng để “kết tội” Moscow.

Bất chấp lời đề nghị của Moscow, London vẫn từ chối cung cấp mẫu vật hay hợp tác điều tra chung vụ cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Salisbury của Anh ngày 4/3.
Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố rằng: “không có kết luận nào khác ngoài việc Nga chịu trách nhiệm về vụ cố tình sát hại cựu điệp viên Skripal và con gái” bằng chất độc thần kinh cấp độ quân sự do Liên Xô chế tạo. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa công bố bất cứ bằng chứng nào chứng minh được kết luận của mình.
 Theo Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), sẽ phải mất 3 tuần để nghiên cứu các mẫu vật liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal.
Dù Anh đã cho phép các chuyên gia của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhận các mẫu vật chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ đầu độc cha con cựu điệp viên cũng như mẫu máu của cha con điệp viên này, cũng sẽ phải mất 3 tuần để nghiên cứu các mẫu vật mà Anh cung cấp.
Điều này khiến những lời cáo buộc của London đối với Moscow khó mà thuyết phục được.
Lý do Nga không thể liên quan
Theo nhà phân tích chính trị người Nga Andranik Migranyan, có ít nhất 5 lý do Moscow không đầu độc cựu điệp viên này.
Thứ nhất, Skripal trước đây được biết đến là điệp viên của Cơ quan tình báo Anh MI6 với mật danh “Forthwith”, chứ không phải kẻ đào ngũ của Nga. Năm 2004, Skripal bị bắt ở Nga và năm 2006 bị kết án 13 năm tù vì hoạt động gián điệp cho Anh. Tuy nhiên, tháng 7/2010, Skripal đã được ân xá và được trao đổi cùng 3 người khác để đổi lấy 10 điệp viên ngầm của Nga, trong đó có Anna Chapman, bị lộ ở Mỹ thời điểm đó.
Thứ 2, “Forthwith” không gây mối đe dọa nào và không còn thông tin mật nào ngoài những thông tin đã cung cấp cho MI6 trước khi bị bắt năm 2004. Vì nếu còn, Moscow sẽ không trao cho Anh Skripal mà sẽ là một người khác.
Thứ 3, sau vụ trao đổi điệp viên, Skripal gần như bị các cơ quan đặc biệt của Anh giám sát chặt chẽ. Nếu Skripal từng liên quan đến bất cứ hoạt động nào nguy hiểm tiềm tàng cho Nga, London sẽ ngay lập tức tuyên bố Nga có động cơ để “thanh toán” Skripal.
Thứ 4, việc đầu độc cựu điệp viên Skripal 66 tuổi cùng con gái ông không đem lại lợi ích gì cho Tổng thống Nga Putin và các cơ quan tình báo Nga, đặc biệt là ở thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Nga và trước thềm World Cup 2018 vào mùa hè tới.
Thứ 5, lãnh đạo Nga luôn có cách tiếp cận thực dụng đối với chính sách ngoại giao của nước này cũng như trong các vấn đề toàn cầu. Nga sẽ không “tự bắn vào chân mình” bằng cách đầu độc một cựu điệp viên ở Anh trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây.
Vậy ai được lợi?
Nhà phân tích chính trị Andranik Migranyan nói rằng, Skripal có thể bị Anh và Mỹ lợi dụng để “bôi xấu thêm” danh tiếng của nhà lãnh đạo Nga và gia tăng đáng kể áp lực đối với Moscow ở thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quan trọng của Nga.
“Không thể can thiệp vào chính trị nội bộ của Nga cũng như tiến trình bầu cử vì hầu hết các điệp viên nước ngoài đều bị đặt trong tầm giám sát của Nga, các cơ quan tình báo của Mỹ và châu Âu đã tiến hành một chiến dịch nhằm gây mất uy tín của Nga cũng như Tổng thống Putin và phủ bóng đen lên bầu cử Nga”, ông Migranyan nói.
Trong khi đó, ông Vladimir Ermakov, Người đứng đầu Cơ quan quản lý về vấn đề không phổ biến và kiểm soát vũ khí (DNKV) thuộc Bộ Quốc phòng Nga, trong một cuộc gặp ngày 22/3 với các đại diện nước ngoài về vụ Skripal đã nhấn mạnh giới chức Anh “không thể không bảo vệ được người nào đó khỏi vụ tấn công trên lãnh thổ của họ, trừ khi chính họ đã dàn xếp”.
Ông cũng bày tỏ lo ngại về việc London không sẵn lòng để đại diện lãnh sự Nga được tiếp cận con gái Skripal là vi phạm luật quốc tế. Nga cũng đã đề nghị giới chức Anh cung cấp mọi thông tin liên quan đến vụ việc, nhưng Nga vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì.
Căng thẳng Nga-Anh lên nấc thang mới
Căng thẳng giữa Nga và Anh liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên một nấc thang mới, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nhân Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brusells ngày 22/3 đã thuyết phục các nước đồng minh hành động tương tự London để phản ứng với Nga về vụ Skripal.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/3 đã quyết định triệu hồi đại sứ của khối tại Nga sau khi ủng hộ quan điểm của Anh cho rằng Moscow liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury, Anh. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã xác nhận quyết định triệu hồi này.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao EU cho biết, một số nước thành viên EU đang xem xét khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại Nga. Trong số các nước EU đang cân nhắc triệu hồi nhà ngoại giao hoặc trục xuất nhà ngoại giao Nga có Ba Lan, Pháp và 3 nước Baltic.
Theo Thùy Linh/VOV.VN