Ả Rập Saudi không kích Yemen, chiến tranh sắp lan rộng?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Ả Rập Saudi can thiệp quân sự vào Yemen có thể châm ngòi cuộc chiến dữ dội giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite khắp khu vực Trung Đông.

Cùng với các đồng minh vùng Vịnh, Ả Rập Saudi đã phát động các cuộc không kích vào Yemen hôm 26/3 để đối phó với các lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn.
Đất nước Yemen hiện đang sa vào nội chiến và trở thành nơi cạnh tranh quyết liệt giữa Ả Rập Saudi (Sunni) và Iran (Shi'ite), nước đang ủng hộ các lực lượng nổi dậy  Houthi.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy thác giữa Iran (ủng hộ các lực lượng Houthi) và Ả Rập Saudi cùng các chế độ quân chủ khác trong khu vực người Hồi giáo Sunni (ủng hộ Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi).
Saudi Arabia bat dau can thiep quan su vao  Yemen
 Máy bay của các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh tiến hành không kích lãnh thổ Yemen.
Tại một cuộc họp báo, Đại sứ Ả Rập Saudi ở Washington, ông Adel al-Jubeir,  tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ chính phủ hợp pháp của Yemen”.
Ngay sau khi đại sứ Ả Rập Saudi công bố các hành động quân sự, nhiều máy bay chiến đấu đã tấn công vào sân bay thủ đô Sanaa và căn cứ không quân al Dulaimi ở Yemen.
Trong một tuyên bố chung, các nước Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait, Bahrain và Qatar chính thức tuyên bố  quyết định hành động để bảo vệ Yemen chống lại sự xâm lược của dân quân Houthi.
Trong một bức thư gửi cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 24/3, Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi đã yêu cầu các nước Arập "cung cấp ngay lập tức tất cả các phương tiện cần thiết, bao gồm cả can thiệp quân sự, để bảo vệ Yemen và người dân”.
Một nhà lãnh đạo cấp cao của phong trào Houthi nói rằng các cuộc không kích của Ả Rập Saudi là một cuộc xâm lược chống lại đất nước Yemen và cảnh báo “chiến tranh lan rộng" khắp khu vực. Ông này nói: “Chính phủ Ả Rập Saudi và các chính phủ vùng Vịnh sẽ hối tiếc về hành động xâm lược này”.  Ngày 25/3, Lực lượng dân quân Houthi và các đơn vị quân đội đồng minh đã đánh chiếm căn cứ không quân al-Anad cách thủ Aden 60 km và đang tiến về ngoại ô thành phố này ở miền nam Yemen.
Chỉ có điều, một cuộc xung đột Yemen mở rộng có thể gây ra rủi ro cho nguồn cung dầu toàn cầu. Hầu hết các tàu chở dầu của Ả Rập Saudi, UAE, Kuwait và Iraq đều phải qua bờ biển Yemen, qua Vịnh Aden để đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez đến châu Âu.
Eo biển giữa Yemen và Djibouti và eo biển Hormuz giữa Bán đảo Arập và Iran đều được coi là "huyết mạch" cho nguồn cung dầu toàn cầu. Giá dầu thô đã tăng khoảng 1% trong ngày 26/3, sau khi có tin về các cuộc không kích ở Yemen. Nếu các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bị tấn công, thì tác động toàn cầu của nó sẽ là vô cùng to lớn.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 25/3, Nhà Trắng cho biết Mỹ ủng hộ các hoạt động của  các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Tổng thống Barack Obama đã cho phép "hỗ trợ hậu cần và tình báo”.
Tại Washington, Thượng nghị sĩ  Cộng hòa Lindsey Graham bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tấn công của Ả Rập Saudi có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lan rộng khắp khu vực Trung Đông giữa hai dòng Hồi giáo  Sunni và Shi’ite.
Minh Châu (theo Reuters)