5 trong 11 lệnh cấm vận Triều Tiên muốn dỡ bỏ là gì?

Google News

(Kiến Thức) - Kể từ khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 đến nay, Liên Hợp Quốc đã thông qua nhiều nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Triều Tiên được xem là mục tiêu quan trọng của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa qua. Tuy nhiên, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều đã kết thúc sớm hơn dự kiến và hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. 
Trong cuộc họp báo tại khách sạn Melia Hà Nội vào lúc 0h ngày 1/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho khẳng định phía Bình Nhưỡng đã đưa ra đề nghị mang tính thực tế với phía Mỹ nhưng bị từ chối. Ông cho hay Bình Nhưỡng chỉ đề nghị dỡ bỏ 5 lệnh cấm vận (giai đoạn 2016-2017) áp lên nước này chứ không phải toàn bộ như giải thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi thượng đỉnh kết thúc.
5 trong 11 lenh cam van Trieu Tien muon do bo la gi?
Liên Hợp Quốc đã thông qua nhiều nghị quyết lên án Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Ảnh: CNN.
Được biết, kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nhiều nghị quyết, trong đó nhất trí lên án Triều Tiên theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Triều Tiên nhìn chung đã mở rộng ra hầu hết các lĩnh vực. Từ việc cấm buôn bán bán vũ khí, thiết bị quân sự, công nghệ sử dụng kép và các máy móc công nghiệp, các lệnh trừng phạt đã được mở rộng sang việc cấm các nước tiếp nhận lao động Triều Tiên, nhập khẩu hàng dệt may, khoáng sản như than đá, khí đốt tự nhiên và giới hạn số lượng các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất sang Bình Nhưỡng, hạn chế quyền đánh bắt cá,...
Mục đích của việc đưa ra các lệnh trừng phạt này là nhằm "cắt đứt" nguồn ngân sách dành cho phát triển vũ khí của Triều Tiên.
Các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được thông qua sau khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân vào năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017. Cụ thể: 
Nghị quyết 1718, được HĐBA thông qua năm 2006, yêu cầu Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và cấm xuất khẩu một số vật tư quân sự và hàng xa xỉ sang Triều Tiên.
Nghị quyết 1874, được HĐBA thông qua sau vụ thử hạt nhân thứ hai của Triều Tiên năm 2009, đã mở rộng lệnh cấm vận vũ khí. Các quốc gia thành viên được khuyến khích kiểm tra tàu và phá hủy bất kỳ hàng hóa nào bị nghi ngờ có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân.
Nghị quyết 2087, được HĐBA thông qua vào tháng 1/2013 sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh, tăng cường các biện pháp trừng phạt trước đó bằng cách làm rõ quyền của nhà nước để chiếm giữ và phá hủy hàng hóa bị nghi ngờ đến hoặc từ Triều Tiên cho mục đích nghiên cứu và phát triển quân sự.
Nghị quyết 2094, được HĐBA thông qua vào tháng 3/2013 sau vụ thử hạt nhân thứ ba của Triều Tiên, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chuyển tiền và nhằm mục đích đóng cửa Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế.
Nghị quyết 2270, được HĐBA thông qua vào tháng 3/2016 sau vụ thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng, tăng cường hơn nữa các biện pháp trừng phạt hiện có. Nghị quyết này cấm xuất khẩu vàng, vanadi, titan và kim loại đất hiếm. Việc xuất khẩu than và sắt cũng bị cấm, song các giao dịch hoàn toàn vì "mục đích sinh kế" được miễn trừ. 
Nghị quyết 2321, được HĐBA thông qua vào tháng 11/2016, giới hạn xuất khẩu than của Triều Tiên và cấm xuất khẩu đồng, niken, kẽm và bạc.
Nghị quyết 2371, được HĐBA thông qua vào tháng 8/2017, cấm tất cả xuất khẩu than, sắt, chì và hải sản. Nghị quyết cũng áp đặt các hạn chế mới đối với Ngân hàng Ngoại thương của Triều Tiên và cấm bất kỳ sự gia tăng nào về số lượng người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài.
Nghị quyết 2375, được HĐBA thông qua vào ngày 11/9/2017, tập trung trừng phạt 5 lĩnh vực chính được coi là thế mạnh của Bình Nhưỡng.
Ngày 22/12/2017, HĐBA thông qua Nghị quyết 2397 áp đặt các hạn chế mới lên nhập khẩu dầu, cũng như xuất khẩu kim loại hàng nông nghiệp và nguồn nhân lực.
Ngày 21/3/2018: HĐBA thống nhất áp dụng Nghị quyết 2407, gia hạn hiệu lực của Nghị quyết 1718 (ngày 14/10/2006) đến 24/4/2019.

Mời độc giả xem thêm video: Phái đoàn Mỹ-Triều hội đàm song phương tại Hà Nội ngày 28/2 

Trong số các nghị quyết trên, Nghị quyết 2375, được thông qua vào ngày 11/9/2017, tập trung vào 5 lĩnh vực chính được coi là thế mạnh của Bình Nhưỡng và được đánh giá là những biện pháp mạnh tay nhất nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á từ trước đến nay.
Được biết, Nghị quyết 2375 đã cắt giảm hơn 55% sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên, đồng thời áp đặt mức trần 2 triệu thùng/năm đối với tất cả các sản phẩm dầu tinh chế nhập khẩu vào Triều Tiên, bao gồm cả xăng.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng áp dụng lệnh cấm khí ngưng tụ và khí tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu sang Triều Tiên; cấm tất cả các mặt hàng may mặc xuất khẩu của Triều Tiên. 
Nghị quyết trừng phạt này cấm các nước thuê lao động Triều Tiên ở nước ngoài. Theo nghị quyết này, những người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài có thể tiếp tục công việc của họ cho đến khi giấy phép làm việc hiện tại của họ ở nước đó hết hạn. 
Đồng thời, Liên Hợp Quốc cũng đã yêu cầu chấm dứt tất cả các dự án làm ăn chung giữa Triều Tiên với các nước. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện hợp tác giữa Triều Tiên - Trung Quốc trên sông Áp Lục, cùng với dự án cảng và đường sắt Khasan-Rajin giữa Triều Tiên và Nga, vốn được sử dụng để vận chuyển than đá của Nga sang các nước khác, được miễn trừng phạt.
Ngoài các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên còn phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt đơn phương từ phía Mỹ.
Thiên An (Tổng hợp)