Vụ máy bay Malaysia mất tích không dấu vết đang được cả thế giới quan tâm, chú ý. Tuy nhiên, sau 10 ngày mất tích, bất chấp sự hợp sức tìm kiếm của hàng chục quốc gia, tung tích chiếc máy bay Boeing 777 chở theo 239 người vẫn là một điều bí ẩn. Cũng từ đó, những trò lừa bịp về việc tìm thấy chiếc máy bay mất tích đang nổi lên và lan truyền mạnh mẽ trên mạng, đánh trúng tâm lý của độc giả mong ngóng tìm được chiếc máy bay, giải mã sự mất tích bí ẩn của nó.
Trò bịp bợm đầu tiên xuất hiện trên Facebook và Twitter với tựa đề “Máy bay Malaysia được tìm thấy ở gần Tam giác Bermuda. Video gây sốc được đăng tải trên hãng tin CNN”. Tuy nhiên bức ảnh được hacker sử dụng để quảng cáo cho video lại được lấy từ vụ máy bay Lion Air rơi gần Bali hồi tháng 4 năm ngoái, blogger Brett M.Christensen tiết lộ.
|
Video "giả" với tựa đề gây sốc tìm thấy máy bay Malaysia mất tích, hành khách vẫn còn sống sót tràn lan trên mạng xã hội.
|
Sau đó, một loạt bài viết với các tít khác tiếp tục được sáng tác và lan truyền với tốc độ virus, chẳng hạn: “Video gây sốc: Tìm thấy chuyến bay MH370 trên biển, 50 người sống sót”.
Hoặc: “Chuyến bay MH370 đã được tìm thấy. Video gây sốc tiết lộ khoảnh khắc các hành khách sống sót bật khóc”.
Với những cái tít giật giân như thế, không có gì khó hiểu khi hàng loạt người dùng đã click ngay vào đường link để xem video mà không cần suy nghĩ.
|
Nhiều người đã bị lừa khi bấm vào những video "giả" mô tả tìm thấy máy bay Malaysia mất tích.
|
Tuy nhiên, các hacker chỉ chờ có thế. Toàn bộ các đường link rêu rao "tìm thấy" chiếc máy bay bị mất tích đều là lừa đảo.
"Những đường link này xuất hiện đầu tiên trên Facebook rồi lan sang Twitter. Tất cả đều là lừa bịp", chuyên gia phân tích tình báo Chris Boyd cho biết.
Đồng thời, chuyên gia Chris Boyd khuyên người dùng không nên bấm vào bất cứ đường link nào như vậy.
Đối với các video lừa đảo phát tán trên Facebook, người dùng sau khi click vào sẽ bị yêu cầu phải hoàn tất một cuộc thăm dò rồi mới được xem tiếp. Những đường link này được thiết kế trông y như cuộc thăm dò của Facebook thật và yêu cầu quyền được phép truy cập profile của bạn.
Một khi bạn đồng ý, hacker sẽ có thể xem được thông tin cá nhân như số điện thoại và địa chỉ email của bạn. Ngoài ra, hacker cũng nhận được hoa hồng từ các công ty marketing mỗi khi người dùng tham gia một cuộc thăm dò kiểu này.
Đại diện Facebook cho biết, họ đã tiến hành gỡ bỏ các đường link lừa đảo nói trên.
Bạch Dương (theo IBTimes)