Thỏa thuận hạt nhân Iran và quyết định tấn công tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là hai sự kiện "rung chuyển" Trung Đông. Cả hai sự kiện này đều được xem là bước "đột phá" để có thể tiến tới bình ổn khu vực.
Liệu bạo lực mượn danh tôn giáo của IS có được kiềm chế? Câu trả lời có thể là “có” với thỏa thuận ngày 14/7 nhằm chấm dứt mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran.
Sự kiện thứ hai ở Trung Đông là việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc chiến chống IS. Ngày 24/7, máy bay quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công các mục tiêu của IS bên trong lãnh thổ Syria.
|
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Nếu quyết định tham chiến của
Thổ Nhĩ Kỳ mang động cơ tích cực, thì quyết định này sẽ cùng với Thỏa thuận hạt nhân Iran góp phần giảm bạo lực ở Trung Đông.
Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công cả phiến quân IS lẫn Đảng Lao động Kurdistan (PKK) ở miền Bắc Iraq chỉ càng khiến phương Tây khó nghĩ hơn trong việc ủng hộ vai trò của Ankara ngăn chặn sự lây lan của tổ chức IS.
Sở dĩ Ankara miễn cưỡng tham gia vào cuộc chiến Syria một phần là vì quá khứ thống trị khu vực dưới thời Đế chế Ottoman. Tuy nhiên, với một phần lãnh thổ nằm ở Châu Âu là một thành viên NATO, trong thời gian dài, Thổ Nhĩ Kỳ có hội đủ điều kiện để kiềm chế sự lây lan của nhà nước khủng bố IS.
Khả năng này phần lớn phụ thuộc vào Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Đảng cầm quyền AK của ông đã mất đa số tuyệt đối trong quốc hội sau cuộc tổng thuyển cử hồi tháng 6/2015.
Có thể, chính quyền của ông Erdogan đang tìm cách giành lại vị thế pháp lý đã mất bằng cách tham gia vào cuộc chiến ở Syria và tấn công PKK. Đối thủ chính trị chính của Tổng thống Erdogan chính là đảng của người Kurd đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của dân chúng. Hơn nữa, ông Erdogan cũng có thể quan ngại về tầm ảnh hưởng của Iran tăng lên, khi thỏa thuận hạt nhân chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Trung Đông vốn là một khu vực đầy hỗn loạn, bất ổn và vô vọng. Nhưng đôi khi, những bước "đột phá" lớn như Thỏa thuận hạt nhân Iran hay quyết định tấn công IS của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp khu vực tiến gần đến bình ổn hơn.
Thiên An (Theo The Christian Science Monitor)