Hãng tin Reuter dẫn thông báo của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cho biết, chỉ có khoảng 50 người ở lại trong tòa nhà an ninh ở Lugansk sau cuộc thương lượng giữa người biểu tình và quan chức chính phủ.
Theo SBU, khi người biểu tình chiếm đóng trụ sở tại Lugansk của cơ quan an ninh nhà nước Ukraine vào ngày 6/4/2014 đã bắt giữ 60 người và cài chất nổ xung quanh tòa nhà. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình đã bác bỏ những cáo buộc này.
"Sau cuộc thương lượng qua đêm, chỉ còn 50 người ở lại trong tòa nhà này mà không có vũ khí", SBU cho hay. Hiện chưa rõ những người này là người biểu tình hay con tin.
|
Người biểu tình Ukraine lập hàng rào xung quanh tòa nhà ở Lugansk.
|
Hãng thông tấn
Interfax Ukraine đưa tin, đã có cuộc thương lượng giữa người biểu tình và các quan chức chính phủ để chấm dứt cuộc biểu tình.
Những người biểu tình phủ nhận việc họ có cài chất nổ hoặc giữ con tin ở Lugansk. Tuy nhiên, họ thừa nhận là đang giữ 1 kho vũ khí có đầy súng máy tự động.
“Chúng tôi không cần con tin để đạt được điều chúng tôi muốn”, ông Anton – một người biểu tình cho hay.
Tòa nhà ở Lugansk là một trong số nhiều tòa nhà bị người biểu tình thân Nga chiếm ở các thành phố phía đông Ukraine. Yêu sách đưa ra đều đòi tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để ly khai Ukraine và gia nhập Liên bang Nga.
Còn ở Donetsk, người biểu tình vẫn giữ quyền kiểm soát tòa nhà thị chính, nhưng ở thành phố Kharkov thì họ đã bị lực lượng đặc nhiệm Ukraine đẩy lùi.
Chính phủ Ukraine cho biết, các cuộc biểu tình là một trong những kế hoạch của Nga trong việc chia cắt nước này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng cáo buộc Nga sử dụng điệp viên và các lực lượng đặc biệt để tổ chức các cuộc biểu tình ở Ukraine.
Ông John Kerry cũng cho rằng, Moscow đang chuẩn bị cho các hành động quân sự như đã từng thực hiện khi sáp nhập Crimea vào Nga trong tháng 3/2014.
Đáp lại, phía Nga cũng cho rằng Ukraine sử dụng lính đặc nhiệm Mỹ và các chiến binh từ nhóm Right Sector để đẩy lùi người biểu tình ở Kharkov. Nga cũng cảnh báo nếu Ukraine sử dụng vũ lực chống người biểu tình có thể dẫn đến nội chiến ở Ukraine.
Ngô Trang