Trong chuyến đi thị sát tới khu vực Bắc Kinh đang cải tạo đất trái phép ở Biển Đông, đoàn phóng viên CNN ghi nhận, Trung Quốc xua đuổi máy bay Mỹ 8 lần.
Máy bay Mỹ thực hiện nhiệm vụ tuần tra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động cải tạo đất trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một nhóm phóng viên CNN được phép lên phi cơ P8-A Poseidon, máy bay tuần tra, do thám và săn ngầm hiện đại nhất của Mỹ. Đây là lần đầu tiên Hải quân Mỹ cho phép phóng viên lên phi cơ P8-A bay qua khu vực Bắc Kinh đang xây dựng ở Biển Đông. CNN được phép ghi hình các hoạt động hay ghi âm thông điệp đe dọa và thách thức của Hải quân Trung Quốc qua sóng radio.
|
Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: CNN |
“Đây là Hải quân Trung Quốc. Hãy đi để tránh những hiểu lầm”, giọng nói tiếng Anh vang lên qua hệ thống liên lạc của chiếc P8-A Poseidon. Trong vòng 30 phút, Hải quân Trung Quốc đưa ra hàng loạt thách thức với phi hành đoàn trên máy bay Mỹ. Mike Parker, chỉ huy phi đội máy bay tuần thám P8 và P3 ở châu Á, tin rằng những thông điệp
yêu cầu phi cơ Mỹ rời khỏi khu vực được phát đi từ một trong các hòn đảo. Chỉ huy Mike Parker cho biết: “Các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh tăng đáng kể thời gian gần đây. Dường như họ đang thiết lập cơ sở hạ tầng cho các căn cứ quân sự”. Parker cũng chỉ ra hệ thống radar cảnh báo sớm của Bắc Kinh trên Đá Chữ thập, rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm giữ.
Hình ảnh từ máy quay giám sát của chiếc P8-A Poseidon cho thấy rõ radar cảnh báo sớm, doanh trại quân đội, tháp canh và đường băng đủ dài để tất cả máy bay Trung Quốc có thể cất và hạ cánh. Một số người gọi đây là tàu sân bay “không thể chìm”. Phi công Matt Newman cho biết: “Mật độ các tàu qua lại đây rất dày đặc. Trung Quốc đưa tàu chiến và tàu cảnh sát biển tới khu vực này. Chúng được trang bị radar phòng không nên dễ dàng phát hiện và theo dõi hoạt động của chúng ta”. Bằng chứng rõ ràng nhất là phía Bắc Kinh đã 8 lần yêu cầu máy bay Mỹ rời khu vực. Khi thấy máy bay Mỹ chưa rời đi, ở đầu kia của đường dây liên lạc, một người đưa ra cảnh báo với giọng điệu tức tối: “Đây là Hải quân Trung Quốc. Hãy đi đi!”. Ngoài Đá Chữ thập, hàng chục tàu hút cát của Trung Quốc đang ngày đêm cải tạo Đá Vành khăn nhằm tạo ra một hòn đảo nhân tạo khác. “Chúng tôi thấy việc cải tạo này diễn ra hàng ngày, kể cả cuối tuần”, ông Parker nói.
Theo Zing.vn