Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (SCMP) dẫn lời chuyên gia tham gia vào dự án này cho biết, các kỹ sư Trung Quốc đang thử nghiệm công nghệ và thiết bị có thể được sử dụng để xây dựng một đường hầm dài 1.000 km dẫn nước từ Tây Tạng đến Tân Cương.
“Dự án đường hầm Tây Tạng-Tân Cương này sẽ biến Tân Cương trở thành California. Nước sẽ được đưa xuống từ cao nguyên cao nhất thế giới”, một kỹ sư nói.
|
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một đường hầm dài 1.000 km dẫn nước từ Tây Tạng đến Tân Cương. Ảnh: SCMP. |
Được biết, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một đường hầm dài hơn 600 km ở miền trung tỉnh Vân Nam hồi tháng 8/2017.
Theo kế hoạch, đường hầm này sẽ gồm hơn 60 điểm cắt, mỗi điểm cắt đủ rộng cho hai chuyến tàu cao tốc chạy qua. Đường hầm sẽ chạy qua những ngọn núi cao vài nghìn mét so với mực nước biển nằm trên một khu vực bị ảnh hưởng bởi địa chất không ổn định.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc xây dựng đường hầm Vân Nam cũng là đợt thử nghiệm công nghệ và thiết bị cần thiết cho dự án đường hầm Tây Tạng - Tân Cương. Đường hầm dài 1.000 km này sẽ chuyển hướng dòng chảy của sông Yarlung Tsangpo ở phía nam Tây Tạng và mang nước về sa mạc Taklimakan ở Tân Cương.
Dự kiến, quá trình xây dựng đường hầm Vân Nam sẽ mất khoảng 8 năm với tổng kinh phí ước tính lên tới 78 tỷ nhân dân tệ (tương đương 11,7 tỷ USD).
|
Nếu được xây dựng, đường hầm Tây Tạng-Tân Cương sẽ là đường hầm dài nhất thế giới. Ảnh: SCMP. |
Được biết, đường hầm dài nhất Trung Quốc hiện nay là Dahuofang, dài 85 km, được xây dựng ở tỉnh Liêu Ninh cách đây 8 năm. Trong khi đó, đường hầm dài nhất thế giới là đường ống dẫn nước dài 137 km nằm bên dưới thành phố New York (Mỹ).
Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, đường hầm Tây Tạng-Tân Cương sẽ trở thành đường hầm dài nhất thế giới.
An An (Theo SCMP)