Ủy ban Cải cách Phát triển quốc gia cùng các cơ quan liên quan của Trung Quốc đã tổ chức biên soạn phương án xây dựng cơ sở hạ tầng trên các "đảo nhân tạo" ở quần đảo Trường Sa.
Theo cái gọi là "phương án" này, nội dung xây dựng chủ yếu bao gồm các công trình sau: xây dựng ngọn hải đăng tổng hợp cỡ lớn tại tuyến đường hàng hải quốc tế, đồng thời thiết lập các trạm AIS phục vụ dẫn đường, các trạm VHF và các thiết bị thông tin an ninh trên biển; xây dựng công trình trục vớt cứu hộ khẩn cấp trên biển, các thiết bị xử lý tràn dầu trên biển, xây dựng các cảng neo đậu trên các đảo nhằm phục vụ tiếp tế lương thực, tránh gió, sửa chữa cho các tàu qua lại Biển Đông.
Xây dựng Trung tâm quan trắc biển và Trạm quan sát khí tượng mặt đất nhằm phục vụ giám sát môi trường biển, giám sát địa chấn, dự báo sóng thần; xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học biển nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học các đảo đá, xây dựng sinh thái, bảo vệ đảo; xây dựng công trình ứng cứu và điều trị khẩn cấp...
Nếu chỉ tin vào những gì được ghi trong "phương án" này hoặc những gì Bắc Kinh nói, thì mục đích đắp "đảo nhân tạo" của Trung Quốc là vì mục đích dân sinh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường... chứ không phải vì mục đích quân sự, mưu toan thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tuyên bố chủ quyền phi lý toàn bộ Biển Đông và phá hoại môi trường... như cộng đồng quốc tế từng cáo buộc.
Trung Quốc sắp hoàn thành công việc bồi đắp mở rộng diện tích trái phép các "đảo nhân tạo" tại các bãi đá ngầm và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa. Bước tiếp theo là Trung Quốc tăng cường hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại các "đảo nhân tạo", xây dựng các tiền đồn chiến lược phục vụ ý đồ thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Trịnh Hà Nam