“Tôi không cho rằng đó là đụng độ. Tôi nghĩ rằng có sự khác nhau về ý kiến trong vài cuộc tranh chấp. Vùng tranh chấp thuộc chủ quyền Trung Quốc. Chúng tôi sẽ bảo toàn lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và bảo vệ vùng lãnh thổ của mình. Việt Nam nên biết về điều đó”, ông Trình Quốc Bình phát biểu.
Tuy nhiên, ông Trình Quốc Bình cũng cho biết 2 nước có thể giải quyết tranh chấp qua các cuộc “đối thoại hòa bình”.
“Vụ tranh chấp này không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vụ tranh chấp này chỉ là vấn đề địa phương và có thể kiểm soát được”, ông Trình Quốc Bình khẳng định.
Trước đó, chiều ngày 7/5, trong cuộc họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết hiện có 80 tàu Trung Quốc đang có mặt tại khu vực giàn khoan trái phép HD-981, gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu 733 cùng các tàu hải giảm, tàu ngư chính...
Về hành động của Trung Quốc trên thực địa, khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy trên tàu.
|
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị vỡ thân tàu do tàu Trung Quốc ngang ngược, hung hăng đâm vào.
|
Cụ thể: lúc 08h10 phút ngày 03/05 tại tọa độ 15@31” N – 111@E (cách giàn khoan HD981 khoảng 10 hảy lý), tàu Hải Cảnh 44044 chủ động đâm thẳng vào mạn phản tàu CSB4033, hậu quả làm cho các tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3 mét, rộng 1 mét, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.
Lúc 08h30 ngày 04/05, tàu Hải Cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012, do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải, diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.
Ngoài các tàu Cảnh sát biển, các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.
Lúc 12h00 ngày 7/5, tàu Hải Cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003. Trung Quốc sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không nhằm uy hiếp các tàu Việt Nam.
Đối với các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.
Về phản ứng của Mỹ liên quan đến vụ việc này, cũng trong ngày hôm qua, nữ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki phát biểu trong cuộc họp báo ngắn thường kì cho biết: “Chúng tôi cực kỳ quan ngại trước các hành vi đe doạ và gây nguy hiểm của các tàu. Do vậy, Mỹ kêu gọi tất cả các bên hành xử an toàn, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp về chủ quyền một cách hoà bình, ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Cùng đó, bà Jen Psaki lần nữa nhắc lại quan điểm của nước này rằng, việc triển khai giàn khoan dầu của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp là hành động “khiêu khích và vô ích” đối với an ninh trong khu vực.