Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Anatoly Yanovksy cho biết, Nga và Trung Quốc sắp ký một hợp đồng cung cấp khí đốt lịch sử.
“Chúng tôi hi vọng, việc thương lượng sẽ hoàn thành theo kế hoạch”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Yanovsky.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm tới Bắc Kinh vào tuần tới và hợp đồng kể trên hứa hẹn sẽ được ký kết trong chuyến thăm này. Hợp đồng này đã được Trung Quốc và Nga thương thảo trong vòng 10 năm và biên bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Tập đoàn Gazprom (Nga) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vào tháng 3/2013. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2018.
Ông Yanovksy cho biết, các dự án năng lượng như dầu và đường dẫn khí đốt vẫn còn mới đối với quan hệ Nga – Trung nên cả 2 nước cần cẩn thận nghiên cứu và tiếp cận.
|
Đường ống dẫn khí đốt của Nga ở Siberia. |
“Các cuộc hội đàm về sự phát triển của miền Viễn Đông và Siberia trong việc bán các nguồn nguyên liệu thô về phía đông đã được diễn ra trước đó. Hiện tại, các cuộc hội đàm của Nga và Trung Quốc còn bao gồm các vấn đề như khai thác mỏ và vận chuyển hydrocarbons”, ông Yanovksy cho hay.
Đầu năm 2013, Tổng giám đốc Gazprom Aleksey Miller cho biết, con số 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm có thể được nâng lên tới 60 tỷ mét khối khí đốt trong suốt thời gian của hợp đồng. Giá khí đốt được Nga cung cấp cho Trung Quốc vẫn chưa được công bố. Bài viết trên tờ thời báo kinh tế Vedomosti của Nga ngày 10/4 cho rằng 2 bên đang thương thảo giá khí đốt trong khoảng từ 360-400USD cho 1.000 mét khối khí đốt.
"Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga bên ngoài Liên minh châu Âu. Cả 2 nước ước tính thương mại song phương sẽ đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2015 cũng như tăng gấp đôi lên 200 tỷ USD trong năm 2020. Ngành năng lượng được cho là hấp dẫn nhất trong thời điểm hiện tại khi Trung Quốc đang cố gắng đóng cửa các nhà máy nhiệt điện đốt than và tăng lượng tiêu thụ khí đốt lên 11% trong năm 2014", hãng tin RT của Nga trích báo cáo từ viện Nghiên cứu Kinh tế và Công nghệ CNPC.
Lê Trang