Một tàu nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc thả 12 tàu lặn do thám Biển Đông, tại một địa điểm không được tiết lộ, hồi đầu tháng 7/2017. Theo Tân Hoa Xã, đây là vụ thử nghiệm tương tác lớn nhất giữa các tàu lặn không người lái (UUV) của Trung Quốc.
|
Trung Quốc thả 12 tàu lặn do thám Biển Đông. (Nguồn: SCMP) |
Ông Yu Jiancheng, phụ trách cuộc thử nghiệm do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chủ trì, cho biết 12 chiếc UUV Haiyi (tàu lượn biển) sẽ chu du dưới mặt nước trong vòng một tháng và thu thập thông tin chi tiết trên đại dương về nhiều khía cạnh - bao gồm nhiệt độ, độ mặn, độ sạch của nước, mức độ oxy, tốc độ và hướng dòng chảy của nước biển.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Yu Jiancheng nói: "Dữ liệu được truyền đến một phòng thí nghiệm trên mặt đất, với thời gian thực". Điều này có nghĩa là thông tin được gửi đi ngay sau khi được thu thập dưới nước.
Ông Yin Jingwei, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Âm thanh dưới nước thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói rằng nếu các UUV này hoạt động như thiết kế, “đây chắc chắn là một bước đột phá".
Trường Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, trước đây gọi là Học viện kỹ thuật quân sự PLA, chính là nơi nghiên cứu chế tạo tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Ông Yin Jingwei cũng là nhà khoa học hàng đầu trong nhiều dự án nghiên cứu quân sự về thông tin liên lạc dưới nước.
Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, những tàu lặn không người lái loại này đã được các tàu khu trục Hải quân Mỹ sử dụng năm ngoái để phát hiện tàu ngầm. Chúng còn được gọi là tàu lượn dưới nước vì sử dụng cánh nhỏ và có cơ chế điều khiển để trồi lên, lặn xuống trong nước. Loại tàu lặn không người lái này sử dụng năng lượng sóng để di chuyển.
Những chiếc UUV loại này có thể di chuyển trên những chặng đường rất dài mà không cần sạc pin trong nhiều tuần hoặc thậm chí hàng tháng. Được trang bị nhiều bộ cảm biến, chúng không chỉ có thể giám sát môi trường tự nhiên mà còn có thể thu thập những dữ liệu mà quân đội quan tâm như tiếng ồn cánh quạt hoặc từ trường dị thường do tàu ngầm hạt nhân gây ra. Và do các tàu lượn dưới nước hầu như không gây tiếng động, nên tàu ngầm đối phương khó có thể phát hiện sự tồn tại của chúng.
Theo ông Yin Jingwei, loại tàu lặn không người lái mà Mỹ đang sử dụng có một “nhược điểm chết người”. Ông giải thích: "Chúng chỉ có thể truyền dữ liệu tới tàu mẹ hay vệ tinh, khi nổi lên mặt nước”. Nhược điểm này có có thể gây ra thời gian trễ và gián đoạn trong việc cung cấp dữ liệu, ảnh hưởng đến hoạt động quân sự như theo dõi tàu ngầm.
Do truyền thông đường dài dưới nước phụ thuộc vào sóng âm, trong khi âm thanh lan truyền trong nước khá chậm và chỉ có thể truyền tải một lượng thông tin nhỏ.
Theo giáo sư Zhu Min - một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Âm học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và là người đã phát triển hệ thống truyền thông đường dài cho tàu lặn Jiaolong, cho biết âm thanh lan truyền trong nước chậm hàng trăm lần so với sóng điện từ lan truyền trong không khí. Đó là chưa kể sóng vô tuyến có thể được chuyển qua băng thông cao tần để truyền tải lượng dữ liệu khổng lồ, thường là megabit hoặc gigabit trong một giây. Trong khi đó, lượng dữ liệu truyền qua nước chỉ được tính bằng vài kilobit.
Vì không có hệ thống định vị vệ tinh như Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hay Beidou dưới đại dương, các tàu lặn không người lái cần phải có công nghệ khác để xác định và thông báo cho nhau về vị trí của chúng.
Minh Châu (Theo SCMP)