“Bản đồ Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” là bản đồ khổ dọc lớn đầu tiên do chính nước này xuất bản, ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào trong phạm vi cái gọi là “chủ quyền” mà Bắc Kinh yêu sách, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
|
Bản đồ khổ dọc phi pháp của Trung Quốc. |
“Các đảo ở Biển Đông (vốn thuộc chủ quyền Việt Nam) trên bản đồ truyền thống của Trung Quốc được để riêng trong một ô vuông nhỏ nằm ngang. Điều này khiến các độc giả không thể nhìn thấy toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc”, tờ
Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc
ngang ngược cho hay.
Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết,quốc tế không nên quá chú tâm vào việc phát hành bản đồ mới này. Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh không biết ngượng phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Mục đích của bản đồ mới là phục vụ người dân. Vị trí của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông là nhất quán và rất rõ ràng”.
Như vậy, Trung Quốc đang từng bước hiện thực hóa cái gọi là yêu sách "đường 9 đoạn" trên Biển Đông. Bước đi mới của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam.
Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế đã nhiều lần khẳng định yêu sách
"đường 9" đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên.
Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Qua những chứng cứ lịch sử về xác lập chủ quyền, Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và coi “đường đứt khúc 9 đoạn” của Trung Quốc thể hiện trên sơ đồ là không có giá trị vì không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn.
Việt Nam cũng đã nhiều lần yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông, làm ảnh hưởng đến việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực. Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không nên có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Thanh Nga (theo Reuters)